Multimedia Đọc Báo in

Trấn Biên - Văn miếu đầu tiên ở xứ Đàng Trong

10:18, 26/10/2016

Văn miếu Trấn Biên được chúa Nguyễn Phúc Chu xây dựng năm 1715 để tôn vinh Khổng Tử và các danh nhân văn hóa của Việt Nam. Đây là văn miếu đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, trước cả văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và Huế.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn thì vào năm 1698, khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào đến xứ Đồng Nai thì vùng đất ấy đã khá trù phú với một thương cảng sầm uất là Cù lao Phố. Để có nơi bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của người Việt ở vùng đất mới, năm Ất Mùi (1715), chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên tại thôn Tân Lại, tổng Phước Dinh, huyện Phước Chánh (nay thuộc phường Bửu Long, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Năm 1861, Văn miếu Trấn Biên bị Pháp đốt phá khi chiếm đánh Biên Hòa. Đến năm 1998, công trình được khôi phục trên nền văn miếu cũ với diện tích gần 2 ha, ngay cạnh Trung tâm văn hóa du lịch Bửu Long. Từ đó đến nay, Văn miếu tiếp tục được xây dựng thêm nhiều hạng mục và trở thành điểm đến quen thuộc của người dân trong và ngoài tỉnh.

Văn miếu Trấn Biên được xây dựng theo kiến trúc của Văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội, gồm các hạng mục như: nhà thờ chính, tả vu, hữu vu, sân hành lễ... thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài. Từ Văn miếu môn (cổng văn miếu) du khách sẽ lần lượt tham quan nhà Bia, Khuê Văn các, hồ Thiên Quang Tỉnh, cổng Đại Thành, nhà thờ Đức Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính rộng lớn.

Nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Văn miếu Trấn Biên.
Nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Văn miếu Trấn Biên.

Ngay chính giữa nhà Bia là bia đá với chất liệu đá granit Bửu Long. Trên bia truyền thống được các nghệ nhân khắc bài văn bia của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu biên soạn, gồm có 8 phần, mỗi phần gồm 10 câu, được khắc trên hai mặt bia đá khái quát về truyền thống văn hóa, giáo dục của Biên Hòa xưa và nay. Qua khỏi Khuê Văn các là một hồ nước trong xanh, bờ kè trang trí đẹp mắt gọi là Thiên Quang Tỉnh nằm giữa Khuê Văn các và Đại Thành môn (cổng của sự thành đạt lớn lao). Các nho sĩ ngày xưa khi đi thi đạt được trình độ học vấn uyên thâm thì sẽ được bước qua lớp cổng Đại Thành này vào khu thờ tự bên trong.

Kế bên hồ nước là nhà bia thờ Khổng Tử được đặt ở vị trí trang trọng, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, tôn trọng tri thức. Cách nhà bia Khổng Tử là một khoảng sân rộng gọi là sân Đại bái. Xưa kia, đây là nơi là diễn ra các buổi lễ quan trọng của Văn miếu Trấn Biên. Ngày nay, sân Đại bái dùng để tổ chức tuyên dương, khen thưởng, báo công những thành tích đặc biệt trên các lĩnh vực mà Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đạt được, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục.

Cổng vào Văn miếu Trấn Biên.
Cổng vào Văn miếu Trấn Biên.

Nhà thờ chính (nhà Đại bái) là công trình quan trọng nhất của quần thể kiến trúc Văn miếu Trấn Biên. Nhà được xây dựng ba gian hai chái, theo kiến trúc cổ, sơn son thếp vàng, nền lát gạch, trên các cột nhà treo đôi liễn đối. Gian trung tâm trong nhà Đại bái thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau lưng tượng Người là hình ảnh Trống đồng Ngọc Lũ biểu tượng cho nền văn hóa Việt Nam và Quốc tổ Hùng Vương. Gian bên trái là nơi thờ các danh nhân văn hóa của đất nước như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn. Gian bên phải thờ các danh nhân đất Nam bộ như Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật,  Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh,  Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu. Đặc biệt, trong nhà thờ chính có trưng bày 1 chiếc đại hồng chung (chuông đồng) rất lớn do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Biên Hòa làm ra. Đối diện là chiếc trống hội Thăng Long, đây là một trong 990 chiếc trống đã được gióng lên trong lễ hội 990 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ngoài ra, khu di tích này còn có nhà Văn Vật Khố là nơi trưng bày sản phẩm 4 làng nghề truyền thống của Biên Hòa - Đồng Nai gồm nghề: đồng, mộc, đá và gốm; nhà Thư Khố lưu giữ, trưng bày các thư tịch cổ, tài liệu, sách báo... viết về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay.

Không chỉ chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử, Văn Miếu Trấn Biên còn là một công trình đặc sắc về nghệ thuật, kiến trúc vừa cổ kính vừa trang nhã nên thu hút đông đảo nhiều tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đến văn miếu tưởng niệm, thăm viếng. Tháng 8-2016, Văn miếu Trấn Biên chính thức được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc