Về với miền Tây
Quá trình hình thành lạ lùng, những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những miền đất phù sa phì nhiêu dọc theo những dòng sông và những giồng cát ven biển như vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên - Hà Tiên, Tây Nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau... mà chúng ta gọi chung một cách thân thương ấy là miền Tây.
Nhắc đến miền Tây, người ta thường nghĩ đến một vùng đất đầy ắp sản vật. Với những người chưa từng đặt chân đến, vùng đất này cũng đã nức tiếng là giàu sản vật qua những tác phẩm văn học như Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Hương rừng Cà Mau (Sơn Nam)... Thế nhưng khi đặt chân đến đây, tận mắt thấy vùng đất phì nhiêu, rộng lớn này không ít người phải ngỡ ngàng. Do điều kiện địa lý đặc thù, sông nước đã trở thành yếu tố cấu thành nét đặc trưng của vùng đất miền Tây và cũng chính sông nước đã ban tặng cho vùng đất này bao sản vật mà không nơi nào có được. Người dân ở đây đã bao đời tự hào về những cái "nhất" của quê hương mình như nhiều sông ngòi nhất, vùng nhiều lúa gạo nhất, nhiều cây trái nhất, nhiều tôm cá nhất...
Cửa nhà cặp mé sông là điều dễ nhận thấy ở miền Tây. |
Niềm tự hào ấy quả không ngoa. Đến vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp), vì có nhiều sông ngòi, hầu như mỗi căn nhà ở đây đều có 2 lối ra vào. Một cửa hướng ra lộ, một cửa mở ra sông ngòi, kênh rạch. Đêm xuống, ánh đèn điện lấp loáng trên mặt nước khiến các khu dân cư trông như những khu phố nổi đẹp mắt. Còn lúa gạo thì khỏi phải nói, bởi ai cũng biết Đồng bằng Sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất nước và có tầm quan trọng không chỉ đối với Việt Nam.
Về tôm cá thì cũng không đâu bì được. Nhớ lắm hôm đầu tiên ăn cơm tại miền Tây, gia chủ vồn vã mời khách. Trong không khí chân thành, chủ nhà luôn miệng mời khách “ăn tép đi”. Khi khách chưa biết gắp món “tép” ở đâu thì đã được gắp tận chén những con tôm to tướng. Lúc ấy mọi người mới ngớ ra. Cái con mà những vùng đất khác gọi là “tôm” thì ở đây chỉ xứng để cho họ bảo là “tép” mà thôi, bởi những con gọi là “tép” ấy, người ở đây bảo họ không ăn. Hay như cái cảnh người ngồi ăn ở trên, cá lẹp chẹp đớp mồi bên dưới không hề xa lạ. Với bản tính sống ở tầng đáy, nhưng tại vùng sông nước này, những con cá lóc to bằng cổ chân vẫn xô nhau đớp mỗi khi mặt nước có dấu hiệu của mồi ăn.
Xuôi về Cà Mau, sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít. Dưới ảnh hưởng của môi trường biển và nước lợ, thực vật rừng ngập mặn dày đặc đã bao phủ toàn vùng này, chủ yếu là những cây đước và mắm. Người ở đây có câu: “Cây mắm đi trước, rừng đước theo sau”, cây mắm, cây đước mọc dài theo bãi, dựng đứng như những bức tường thành thẳng tắp và kênh rạch cứ thế hình thành men theo. Trên thì trời xanh, xung quanh cũng chỉ một sắc xanh của cây lá và dưới làn nước cũng xanh ấy là cơ man các loài tôm cá. Dễ thấy nhất là khi nước rút, những cá chình, thát lát, cá éc, chạch lấu, bống tượng… xuôi theo dòng nước, bỏ lại lòng kênh hiện lên dày đặc những cá thòi lòi, ba khía… Cá nhiều, nên trên mỗi bàn ăn thường có món lẩu cá. Và chắc rằng, không nơi đâu có được đủ các thứ rau đồng nội như ở đây với đủ thứ lá cách, rau nhút, cù nèo, tai tượng, càng cua, bông so đũa, bông điên điển...
Trên cái “nền” lịch sử hình thành cùng sự ưu đãi của thiên nhiên dường như đã tạo ra tính cách con người nơi đây, với sự hào sảng, bình dị là điều dễ nhận thấy nhất. Ngay khi mới gặp lần đầu, họ thể hiện ngay như thể là người thân lâu lắm không gặp. Một tình người rất chân thật, một nét văn hóa khó có thể diễn tả vì đó là cái “chất” rất riêng dường như chỉ có ở người miền Tây. Và khi đã ngồi vào với nhau, câu cửa miệng “Đói thì ăn, khát thì uống” đã một lần nữa toát lên được tính chân phương, mộc mạc, tình cảm và yêu đời, yêu người của người dân nơi đây.
Thời gian lưu lại miền Tây không nhiều khiến cho việc khám phá vùng đất này chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Thế nhưng với những gì tận thấy, những ấn tượng đọng lại cũng đã khiến nhiều người thỏa được niềm mong ước, để rồi lòng tự nhủ sẽ phải quay lại miền Tây thêm lần nữa…
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc