Multimedia Đọc Báo in

Du lịch cộng đồng và "cú hích" cho sinh kế

08:50, 05/11/2016

Cộng đồng tham gia cùng doanh nghiệp làm du lịch đã góp phần làm thay đổi đời sống tại nhiều địa phương. Mối liên kết, chia sẻ lợi ích này đang được người dân và chính quyền địa phương quan tâm, ủng hộ tích cực nhằm thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” ở đây phát triển một cách bền vững và hiệu quả hơn. 

Cơ hội cho người nghèo

Ở trung tâm huyện Lắk, các hoạt động du lịch cộng đồng đang mở ra cơ hội cho người dân tham gia, góp phần cải thiện đời sống và sinh kế một cách đáng kể. Chủ nhiệm HTX Voi buôn Jun - Bùi Văn Đức chia sẻ: Những hộ có voi, đăng ký làm thành viên phục vụ hoạt động đưa đón du khách tham quan hồ Lắk thì không nói làm gì, vì thu nhập của họ khá cao và ổn định nhờ lợi tức ăn chia theo thỏa thuận với HTX, đáng nói hơn là nhiều hộ nghèo ở đây không có tài sản đáng kể (như voi, cồng chiêng, thuyền độc mộc, nhà dài…) để góp vào làm du lịch cũng được hưởng lợi theo nhờ các sản phẩm, dịch vụ du lịch mở ra ngày càng phong phú, đa dạng. Ví như những đêm xoang, nghe diễn tấu cồng chiêng và thưởng thức rượu cần mà du khách khi đến đây yêu cầu là dịp để cho con em những gia đình nghèo trong vùng tham gia và kiếm thêm thu nhập. Ông Đức cho hay, tại HTX Voi buôn Jun, những dịch vụ trên đã tạo công ăn việc làm cho cả trăm lượt người với mức thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể những công việc “ăn theo” du lịch mà người dân tộc thiểu số tại chỗ làm ra để tăng thu nhập như làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đồ mỹ nghệ và kiêm luôn cả hướng dẫn viên du lịch cho các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn Lắk.

Các chủ voi ở Buôn Đôn liên kết với Công ty Du lịch Thanh Hà phục vụ tour tham quan khu Du lịch Bản Đôn.   Ảnh:  H. Gia
Các chủ voi ở Buôn Đôn liên kết với Công ty Du lịch Thanh Hà phục vụ tour tham quan khu Du lịch Bản Đôn.  Ảnh: H. Gia

Và như H’Wét cô gái người M’nông tâm sự: Dân nghèo như em dù chưa được hưởng lợi nhiều từ hoạt động du lịch do không có tài sản đáng giá đóng góp với doanh nghiệp, nhưng có công ăn việc làm như thế là tốt lắm rồi. Mong sao những công ty làm du lịch ở đây có nhiều sản phẩm gần gũi với đời sống của bà con nhiều hơn, như đưa du khách đến trải nghiệm, thăm thú buôn làng để mọi gia đình có cơ hội phục vụ “thượng đế” nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Mong muốn của H’Wét cùng nhiều người khác nữa đã được các đơn vị làm du lịch ở huyện Lắk như HTX Voi buôn Jun, Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk, Công ty Lữ hành Vạn Phát… hết sức lưu tâm.

Ổn định đời sống cho người dân

Còn tại Khu Du lịch cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột), người dân trong vùng, cũng như các buôn lân cận đã tìm được sinh kế để phát triển kinh tế gia đình. Bà Ngọc Anh - phụ trách khu du lịch này cho biết, ngoài lực lượng lao động trực tiếp gần 60 người là đồng bào dân tộc tại thiểu số chỗ được tuyển vào làm việc (hướng dẫn viên, đứng quầy, bán hàng lưu niệm, chạy bàn, nấu ăn, tạp vụ…), đơn vị còn liên kết, hợp tác với nhiều nông hộ trên địa bàn Kô Tam nói riêng và Buôn Ma Thuột nói chung để thu mua hàng hóa thủ công mỹ nghệ, lương thực, thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm HTX Voi buôn Jun-huyện Lắk:

Tạo công ăn việc làm cho đối tượng nghèo

Các cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng du lịch phải được hưởng lợi từ chính sách phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này. Làm du lịch cộng đồng là hướng đến những đối tượng nghèo để qua đó tạo công ăn, việc làm cho họ.  Làm được điều đó đồng nghĩa với việc góp phần tạo ra an sinh xã hội cho địa phương và sự phát triển bền vững cho từng tuor - tuyến du lịch được quy hoạch trên từng vùng. 

Nhờ các hoạt động du lịch được mở ra ở đây đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con dần vươn lên thoát nghèo. Amí Sơr công nhận rằng, từ khi có khu du lịch, nhiều hộ nghèo như bà đã khá lên nhờ có công ăn, việc làm thường xuyên (như dệt thổ cẩm, làm rượu cần, trồng các loại rau rừng, nuôi heo, thả gà) để cung cấp cho khu du lịch, nhờ vậy mà nhiều người đã yên tâm với đời sống hiện tại, không còn cảnh chạy vạy làm thuê, làm mướn khắp nơi như trước. Già Ama Khoanh thì bảo du lịch cộng đồng buôn Kô Tam cũng tạo ra “đất sống” cho những người mê đánh chiêng, ca hát như ông cũng như bao thanh niên nam nữ khác trong buôn làng. Hầu như tuần nào cũng có vài ba “sô” diễn văn hóa - văn nghệ, kết hợp với diễn tấu cồng chiêng được tổ chức tại đây - và chính họ đã vào vai thể hiện sinh động và chân thực hoạt động ấy, để vừa có thu nhập kiếm sống, vừa quảng bá và giới thiệu vốn văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc mình. Bà Ngọc Anh cho rằng, đây là thế mạnh của du lịch cộng đồng ở Khu Du lịch Kô Tam nói riêng và Đắk Lắk nói chung. Vốn văn hóa - văn nghệ của các tộc người tại chỗ là sản phẩm của du lịch và ngược lại lợi ích từ ngành kinh tế này mang lại góp phần tạo điều kiện về mặt vật chất cũng như tinh thần để chủ nhân vốn văn hóa ấy lưu giữ, bảo tồn di sản của cha ông mình để lại.           

Khu Du lịch  cộng đồng Kô Tam tuyển dụng  khá đông  nhân viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ.  Trong ảnh:  Nhân viên  Khu Du lịch  cộng đồng  Kô Tam  chuẩn bị  rượu cần  đón khách.  Ảnh: P. Đình
Khu Du lịch cộng đồng Kô Tam tuyển dụng khá đông nhân viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Trong ảnh: Nhân viên Khu Du lịch cộng đồng Kô Tam chuẩn bị rượu cần đón khách. Ảnh: P. Đình

Rõ ràng du lịch cộng đồng ở Đắk Lắk đã và đang đóng vai trò động lực thúc đẩy bước phát triển đáng kể về kinh tế-xã hội và văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Ghi nhận điều đó, người dân và chính quyền địa phương mong các doanh nghiệp khai thác và kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh cần xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa loại hình du lịch này. Làm du lịch để hướng tới và chia sẻ với người nghèo, phải coi đó là mối quan tâm hàng đầu trong lộ trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi cộng đồng, địa phương. Bởi một điều dễ hiểu rằng, tiềm năng và thế mạnh du lịch ở mỗi vùng chính là tài nguyên quý giá và to lớn giúp cho cộng đồng nắm giữ nó cùng với doanh nghiệp khai thác để làm giàu cho chính mình và xã hội. 

    Phương Đình

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.