Multimedia Đọc Báo in

"Giữ hồn" Tây Nguyên (Bài 2)

08:52, 01/11/2016

[links(left)]

Bài 2: 30 năm sưu tầm cổ vật

Nhiều người làm cà phê rủng rỉnh tiền thì sắm xe, xây nhà, còn Y Thim dành dụm được đồng nào là rong ruổi sưu tầm thêm chiêng, trống, đồ nghề săn voi cổ nhất…

Bộ chiêng giá 3 voi

Nhà của Y Thim Byă ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) có hai căn, căn nhà gạch phía trước để ở, phía sau là nhà sàn riêng biệt như một bảo tàng nhỏ, hiện diện gần như đầy đủ những hiện vật của văn hóa bản địa trên cao nguyên đất đỏ. 

Tròn 50 tuổi nhưng trông vẻ ngoài Y Thim vẫn lực lưỡng, khỏe mạnh như những chàng trai Tây Nguyên “da nâu mắt sáng”. Ông bảo mình giữ được “phong độ” là nhờ chăm… làm rẫy. Y Thim là một công chức làm việc ở Trung tâm Văn hóa tỉnh thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, nhưng thường dành hết những ngày nghỉ cuối tuần vào chăm sóc hơn 2 ha cà phê. Ông nói rẫy cà phê giúp kinh tế gia đình đỡ chật vật, còn ông có thu nhập đáng kể để nuôi dưỡng đam mê sưu tầm cổ vật.

Y Thim với nhiều cổ vật ông sưu tầm hàng chục năm qua.
Y Thim với nhiều cổ vật ông sưu tầm hàng chục năm qua.

Nhà sàn của gia đình Y Thim rộng khoảng 60 m2 được làm từ lâu, trông khá cũ kỹ, hai chiếc cầu thang gỗ bên ngoài nứt nẻ do nhiều năm phơi mưa nắng. Ấy vậy, những người già ở buôn Ea Bông tấm tắc khen những cổ vật chứa trong nhà của Y Thim trị giá hơn cả gia sản của những tù trưởng giàu có ngày xưa. Còn không ít khách đến tham quan thì cho rằng số hiện vật này đáng tiền tỷ, thậm chí những thứ độc bản được xem là vô giá…

Hiện Y Thim sở hữu hơn 30 chiếc trống cổ, nhiều chiếc còn mới nguyên, còn lại là cơ man chiêng quý, ché cổ, nồi đất, nồi đồng, vòng đồng, vòng bạc, cùng nhạc cụ, dụng cụ sản xuất, săn bắn, sinh hoạt thời trước… Ông cho biết bộ sưu tập có gần 40 bộ chiêng của hầu hết các dân tộc ở Tây Nguyên như chiêng knăh, chiêng bor, chiêng jhô, chiêng arap..., và cả dàn chiêng cải tiến 24 cái của người J’rai có thể tấu những bản nhạc hiện đại. Có bộ chiêng đen thui như đem từ giàn bếp xuống, trông thô ráp, lồi lõm, Y Thim bảo đó là những chiếc chiêng cổ nhất, được làm bằng tay, chất đồng lại giòn, không thể chỉnh lại được vì gõ búa vào là chiêng bị nứt rạn ngay. Trong bộ sưu tập của mình, ông bảo quý nhất là bộ chiêng knăh 10 cái bằng đồng pha vàng xuất xứ từ gia tộc của ông Ae Blê ở vùng Buôn Đôn. Giữa thập niên 1990, từ lời đồn đại về bộ chiêng quý này, Y Thim tìm đến nhà Ae Blê đặt vấn đề mua lại nhưng chủ nhân bộ chiêng lắc đầu vì cho đây là bảo vật truyền lại từ nhiều đời trước. Không nản, Y Thim năm lần bảy lượt lặn lội về Buôn Đôn thuyết phục. Đến khi ông Ae Blê đồng ý nhượng lại với hình thức đổi bộ chiêng lấy 3 con voi thì Y Thim bật ngửa vì chỉ một con voi thôi lúc đó đã là cả tài sản lớn mà ông khó với tới. Thế rồi, ông tìm cách năn nỉ nhiều lần nữa mới được ông Ae Blê gật đầu chuyển nhượng bộ chiêng với giá bằng 20 con trâu.

Y Thim bắt đầu sưu tầm cổ vật từ gần 30 năm trước, khi đang làm công tác văn hóa ở huyện Cư M’gar. Lần đầu gặp người buôn đồng nát đang mua bộ chiêng cũ của một hộ trong buôn, ông thấy xót liền bỏ tiền túi mua lại với giá cao hơn. Thế nhưng, việc đi mua “đồ cũ” (theo cách nói của vợ Y Thim) không được nhiều người tán đồng. “Thời gian đầu không ít người cho mình gàn dở, vợ cũng nhăn nhó, ngăn cản. Một hôm có người khách đến nhà chơi cứ trầm trồ mãi, rồi tính giá trị những món đồ cổ lên đến hàng trăm triệu đồng thì vợ… tươi tỉnh hẳn, sau đó lại mê sưu tầm không kém mình”, Y Thim kể. Ông cũng thừa nhận lúc đầu mua hớ những chiếc ché giả cổ, tốn không ít tiền nhưng nhờ đó mà có thêm kinh nghiệm.

Mỗi năm thu được 5 - 6 tấn cà phê nhân, Y Thim bán đi dùng hơn một nửa tiền để mua các loại đồ cổ. Có khi vợ chồng ông bỏ ra vài tạ cà phê chỉ để đổi lấy một chiếc ché, hoặc chiếc ghế kpan, chiếc trống cổ mà người ta không dùng nữa...

Hỏi vì sao không tiếc tiền của, công sức cho việc sưu tầm này, ông bảo có lẽ xuất phát từ đam mê, như duyên nợ mà ông bà gửi gắm cho mình. “Theo quan niệm của đồng bào, mỗi chiếc ché cổ là một hồn người khi chết đi gửi gắm lại để vui buồn, sướng khổ cùng bà con buôn làng. Còn những bộ chiêng quý, những chiếc trống cổ, vòng tay, vòng cổ, những chiếc ghế kpan hàng trăm năm tuổi này là kỷ vật của ông bà. Mình muốn giữ lại tất cả, nếu không mai này chúng mất đi, lấy gì để chứng minh những giá trị văn hóa của đồng bào Tây Nguyên”, Y Thim tâm sự.

Thổi hồn cho cổ vật

Gia đình Y Thim còn được biết đến như một ban nhạc dân gian trứ danh ở phố núi; bốn con trai của ông đều diễn tấu thành thạo các nhạc cụ dân tộc, có thể chơi hầu hết các bộ chiêng mà ông sưu tầm. Trong đó, con trai út Y Thu năm nay học lớp 11 đã bộc lộ năng khiếu biểu diễn từ nhỏ, giành nhiều giải thưởng trong các liên hoan cồng chiêng, dân ca, dân vũ của tỉnh. Hằng đêm, sau giờ lao động, học tập, ban nhạc dân tộc của Y Thim lập ra gồm con cháu trong nhà cùng anh em bà con trong buôn Ea Bông vẫn miệt mài luyện tập các bài chiêng mới. “Mình muốn những bộ chiêng, trống, nhạc cụ là cổ vật sưu tầm phải được sử dụng, thổi hồn vào để chúng “sống” với cộng đồng; nếu không chúng nằm im mãi trong nhà thì buồn lắm” - Y Thim nói đơn giản về cách bảo tồn những cổ vật. 

Ngôi nhà sàn của ông được xem là bảo tàng cộng đồng buôn Ea Bông đã đón tiếp khá nhiều du khách đến tham gia sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, cùng các nghi lễ, phong tục truyền thống của người Êđê. Y Thim khoe dịp cuối tháng 9 vừa qua, tại nhà sàn này đã tổ chức lễ cúng sức khỏe, chúc thọ nhà văn Nguyên Ngọc nhân dịp ông lên thăm Đắk Lắk.

(Còn nữa)

Linh Châu

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.