Multimedia Đọc Báo in

Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk: Một năm vượt khó, hoạt động hiệu quả

10:01, 29/12/2017

Có thể nói, trong khoảng 15 năm trở lại đây thì năm 2017 vừa qua là năm Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn nhất.

Nhưng bằng sự đoàn kết, quyết tâm cao của lãnh đạo Hội và tinh thần vượt khó, nỗ lực sáng tạo của nhiều hội viên, Hội đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình, giành được nhiều thành tích cao trong hoạt động...

Ngoài các khó khăn “kinh niên” như biên chế thiếu, nên một người phải cáng đáng nhiều việc; trụ sở chật hẹp, không đủ diện tích để lưu trữ, trưng bày tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi của hội viên, thiếu không gian tổ chức hoạt động cho các chuyên ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu - điện ảnh, thiếu cả nơi sinh hoạt, hội nghị cho từ 20 người trở lên... thì khó khăn nổi cộm nhất của năm 2017 là kinh phí. Tất cả các hoạt động của Hội có sử dụng ngân sách do tỉnh cấp đều phải tiết kiệm 10% theo chủ trương chung, dẫn tới tạp chí Chư Yang Sin sau khi xuất bản số tháng 11-2017 thì hết tiền, số tháng 12-2017 đứng trước nguy cơ không ra mắt được. Kinh phí được lãnh đạo tỉnh cấp cho Trại sáng tác Hạ Xanh, nhằm mục đích bồi dưỡng các mầm non văn học của tỉnh từ 80 triệu đồng/năm, nay chỉ còn 46 triệu đồng. Trước đây, Trại do ba cơ quan: Hội VHNT, Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục - Đào tạo cùng chung sức tổ chức, nay hai cơ quan “âm thầm” rút lui, chỉ còn lại một mình Hội chịu trách nhiệm. Kinh phí Hỗ trợ sáng tạo VHNT năm 2017 do trung ương cấp mãi đến giữa tháng 12-2017 Hội mới được sử dụng...

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vương Quốc Kim (giữa) dù tuổi cao vẫn vào tận rừng biên giới  để săn ảnh. Ảnh: Đ. Tiến
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vương Quốc Kim (giữa) dù tuổi cao vẫn vào tận rừng biên giới để săn ảnh. Ảnh: Đ. Tiến

Trong điều kiện thiếu “bột” nghiêm trọng như vậy, làm cách nào để “gột nên hồ”? Thật khó thay! Thế nhưng, tập thể lãnh đạo Hội vẫn quyết tâm không để các hoạt động chuyên môn đình trệ, phải tìm nhiều giải pháp xoay xở, như kêu gọi xã hội hóa, hội viên tự bỏ ra một phần kinh phí trong các chuyến đi thực tế, kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ, tài trợ các cuộc thi… Nhờ vậy, các hoạt động chuyên môn của Hội vẫn được tổ chức suôn sẻ và có hiệu quả. Trong năm 2017 vẫn có hàng trăm lượt hội viên được tham gia các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác, các cuộc thi, liên hoan trong và ngoài tỉnh do Hội tổ chức (như đi dự các lễ hội đầu xuân tại Krông Pắc, Cư Kuin để phục vụ nghiên cứu và sáng tác ảnh nghệ thuật; đi thực tế ở các xã biên giới, các đồn biên phòng trong tỉnh (2-2017); tổ chức Trại Hạ Xanh với sự có mặt của 19 em thuộc 6 dân tộc (7-2017); phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Trại sáng tác về đề tài Công an nhân dân, nhằm góp phần xây dựng, tôn vinh hình ảnh “Cán bộ chiến sĩ CAND Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”; tổ chức cho hội viên các chuyên ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc tham dự các cuộc thi và liên hoan tại Bình Định, Đắk Nông, Đà Nẵng; tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác tại Ninh Thuận (10-2017) và dự trại sáng tác tại Nha Trang (11-2017); tiếp đón gần 300 văn nghệ nghệ sĩ tỉnh bạn đến tham quan, tìm hiểu Lễ hội Cà phê và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (3-2017) tạo được ấn tượng tốt về vùng đất và con người Đắk Lắk; tổ chức thành công Cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật Đắk Lắk năm 2017; phối hợp với Công an tỉnh phát động cuộc thi sáng tác bút ký văn học về đề tài Công an nhân dân (11-2017)... 

Năm 2017 các Hội viên Hội VHNT Đắk Lắk đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, các đợt liên hoan trong và ngoài tỉnh. Một hội viên nhiếp ảnh (Bảo Hưng) được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phong tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc bậc vàng (E.VAPA/G) - tước hiệu cao nhất của nhiếp ảnh Việt Nam. Năm hội viên nhiếp ảnh được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tặng Bằng khen. Hội viên nhiếp ảnh của Hội đã giành được 28 huy chương vàng, bạc, đồng trong các cuộc thi. Hai hội viên mỹ thuật có tác phẩm được chọn triển lãm ở nước ngoài. 20 hội viên được trao giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2017 của Hội. Trong điều kiện khó khăn, các hội viên vẫn xuất bản được 8 đầu sách văn học, âm nhạc, trong đó một số tác phẩm có chất lượng cao như Hồn cẩm hương của nhà thơ Đặng Bá Tiến, Thà cứ một mình rồi quen của nhà văn Nguyễn Anh Đào, Tháng tư mùa bướm bay của nhà văn H’linh Niê, Mây rủ nhau về như ngựa trắng của nhà thơ Vũ Dy, 40 năm ca khúc Mạnh Trí... Nhiều tác phẩm được chọn vào vòng cuối giải thưởng hằng năm của các hội chuyện ngành trung ương (hiện đang chờ công bố kết quả).

Tạp chí Chư Yang Sin dù thiếu kinh phí vẫn xuất bản đúng định kỳ hàng tháng, không phải đình bản số tháng 12 như lo lắng ban đầu. Trong năm 2017 tạp chí đã phát hành trên 7.000 ngàn bản, giới thiệu gần 700 tác phẩm của hội viên, cộng tác viên trong và ngoài tỉnh. Hiện nay tạp chí Chư Yang Sin có tới 12 chuyên mục, được bạn đọc trong và ngoài tỉnh đánh giá cao, được lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam xếp trong TOP 10 của cả nước.

Nhờ những thành tích trên năm 2017 Hội VHNT Đắk Lắk được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tặng Cờ Thi đua xuất sắc. Đây là năm thứ sáu liên tiếp Hội VHNT Đắk Lắk được nhận Cờ Thi đua của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.  

Phan Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.