Multimedia Đọc Báo in

Prả - chiếc vòng thiêng của người Vân Kiều

08:03, 07/01/2018

Với người Vân Kiều, chiếc vòng tay prả tượng trưng cho sự bình an và trường thọ. Prả được gia công thủ công bởi nhiều chất liệu như bạc, đồng, nhôm, kẽm. Prả không tinh xảo, óng ánh bởi vẻ bề ngoài nhưng lại uy nghiêm, huyền bí trong sâu thẳm quan niệm tộc người.

Prả tựa vị thần bổn mạng nên khi tròn một tháng tuổi, bé trai, bé gái Vân Kiều sẽ được cha mẹ trao cho chiếc vòng tay bằng một nghi lễ giản đơn. Kể từ thời điểm đó, người lớn có nhiệm vụ giữ gìn cẩn thận chiếc prả để khi con cái lớn lên thì chính họ cũng là người trực tiếp đeo vòng vào tay cho chúng. Nhà nào sinh bé trai sẽ phải sắm thêm một chiếc prả nữa để làm của hồi môn cho con cưới vợ sau này. Dù prả trao cho cô dâu trong ngày cưới bằng bạc hay nhôm thì người Vân Kiều vẫn quan niệm rằng lễ vật ấy chính là tặng phẩm chúc phúc cao sang nhất mà cô dâu nhận được trong ngày về nhà chồng.

Cụ bà Vân Kiều đeo vòng prả trên tay.
Cụ bà Vân Kiều đeo vòng prả trên tay.

Khi nhắm mắt xuôi tay, chiếc vòng tay vẫn sẽ đồng hành với người qua đời sang tận bên kia thế giới. Giải thích phong tục này, người Vân Kiều cho rằng, prả đại diện cho công phúc và lòng nhân ái của con người ở trần thế nên cũng sẽ mang đến an lạc cho người đã khuất ở kiếp sau. Người ở lại sẽ tiếp tục di nguyện và trao truyền tín ngưỡng tốt đẹp về prả cho con cháu và họ hàng xung quanh.       Thông thường, người con trai không rượu chè, tệ nạn, có uy tín nhất trong gia đình sẽ được dòng họ trao cho quyền cất giữ số vòng tay mà cha mẹ hay người đã khuất để lại ngoài chiếc vòng đã mai táng. Nhưng muốn trao chiếc vòng tay mỗi dịp đứa bé đầy tháng, ngày con cháu thành hôn, hay khi để ai tiếp cận thì đều phải được sự đồng ý của tất cả thành viên trong họ tộc. Prả không chỉ gieo vào tâm trí người Vân Kiều giống mầm của may lành, ấm no mà vòng thiêng này còn giúp đồng bào giữ gìn được sự hòa thuận, kính trên nhường dưới.

Các bà mẹ Vân Kiều thường dạy con gái là hãy suy nghĩ thật chín chắn khi nhận prả từ tay bạn trai, bởi kể từ phút giây đó cô thiếu nữ được xem như hoa đã có chủ. Theo quan niệm của người Vân Kiều buông lơi hay giả dối khi đã trót thề nguyền với prả sẽ khiến thần linh nổi giận và giáng phạt lúc nào không hay.   

Prả sở hữu thứ hồn vía mãnh liệt có thể mang lại cho chủ nhân sức khỏe và cả sự giàu sang nên người Vân Kiều ít khi gỡ bỏ chiếc vòng tay ấy ra khỏi người. Nếu prả bị mất thì là một tai họa; thậm chí đưa prả cho người khác mượn hay làm mẻ rạn prả cũng là điều tối kỵ. Người nào không may mắc phải một trong những điều không nên đó thì phải lập tức làm lễ cúng để báo với thần linh và xin gia công mới chiếc vòng tay nắm giữ vận mệnh cuộc đời họ để tai ương sẽ không giáng xuống và no ấm, yên bề lại trở về.

Chiến tranh, thiên tai và đòi hỏi áo cơm khiến những chiếc prả được người Vân Kiều hết sức nâng niu lần lượt bị thất lạc và phần nhiều bị bán đi nên prả ngày càng ít thấy trên tay người Vân Kiều. Nhưng không vì thế mà con cháu Vân Kiều đánh mất đi nhận thức về vẻ đẹp mang tính biểu tượng của prả, chiếc vòng đầy linh thiêng và quyền uy. Ngày nay, nhà nào may mắn sở hữu được những chiếc prả thì các bà, các mẹ, các em gái Vân Kiều vẫn trưng diện trên tay, còn hầu như đàn ông Vân Kiều không đeo prả nữa. Nhà nào có điều kiện thì vẫn mang trâu, lúa, tiền bạc đổi lấy vòng prả từ những hộ gia đình đang cất giữ prả với số lượng nhiều, nhưng việc trao đổi cũng chỉ diễn ra trong bà con huyết thống mà thôi. Khi nhà nào có việc đầy tháng con, cưới xin và không may có người qua đời thì gia đình đó sẽ phải đi mượn prả để chu toàn lễ nghi của cha ông và nhất là để làm đẹp lòng thần linh. 

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.