Multimedia Đọc Báo in

Tìm cách đưa thổ cẩm hồi sinh (Kỳ 1)

08:03, 03/01/2018

Nhiều cơ sở phải lần lượt đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng do thiếu vốn đầu tư và đặc biệt là đầu ra bế tắc là thực trạng chung của nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Đắk Lắk hiện nay. 

Kỳ1:  Không sống nổi với nghề

Sản phẩm làm ra không bán được và ngày càng ứ đọng, khiến người dệt thổ cẩm “đứt vốn”, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Vì thế đã có không ít chị em ngậm ngùi chia tay với nghề.

Tâm sự chạnh lòng

Amí Liu (buôn Alê A, phường Ea Tam - TP. Buôn Ma Thuột) đã không còn dệt thổ cẩm từ vài năm nay. Mí bảo: “Vì hàng hóa làm ra không bán được, cho dù đã tìm mọi cách tìm kiếm, tiếp thị khách hàng, kể cả việc ký gửi cho các đại lý ở trung tâm thành phố bán giúp. Không thể sống nổi với nghề truyền thống này được nữa, phải chuyển sang buôn bán lặt vặt để mưu sinh qua ngày”. Còn chị H’Lung Niê (buôn A Kô Dhông, phường Thắng Lợi – TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự: Mặc dù đã thay đổi mẫu mã sản phẩm thổ cẩm cho phù hơp với thị hiếu khách hàng, nhưng để tiêu thụ được không phải là chuyện dễ dàng. Không riêng gì gia đình chị, mà nhiều chị em ở trong buôn đem thổ cẩm đi ký gửi tại các shop trong phố, cũng như những điểm du lịch trên địa bàn Đắk Lắk nhờ tiêu thụ. Nhưng đầu ra cho sản phẩm này thật sự quá khó khăn, có khi mất cả năm trời mời bán được một vài món. Tính ra không sống nổi với nghề nên ngày càng có nhiều người ngậm ngùi chia tay với thổ cẩm.

Xã viên HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (Ea Kao - TP. Buôn Ma Thuột) tranh thủ dệt các mặt hàng tại gia đình. 							                                    Ảnh: Duy Tiến
Xã viên HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (Ea Kao - TP. Buôn Ma Thuột) tranh thủ dệt các mặt hàng tại gia đình. Ảnh: Duy Tiến
 

Để nghề dệt thổ cẩm của bà con sống lại, thật sự là bài toán cực kỳ nan giải. Các làng nghề truyền thống cần phải được tiếp sức từ các cấp, ngành chức năng. Trong đó, điều quan trọng và cấp bách nhất là cần có quy hoạch, đầu tư cho hoạt động sản xuất, quảng bá văn hóa thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch thật sự” 

 
 
Nghệ nhân H’Rút Buôn Krông - HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông

Người trực tiếp làm ra thổ cẩm bấp bênh và gian nan là thế, còn người bán thì sao? Chị H’Liya có cửa hàng thổ cẩm trên đường Trần Nhật Duật - TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Nhận thấy mặt hàng này khó tiêu thụ, nên cửa hàng chị chỉ nhập các sản phẩm thời trang được làm thủ công (như túi xách, bóp, khăn choàng cổ, bọc đệm gối, tua ren trang trí…), vậy mà vẫn rất khó bán. Mỗi tháng, thậm chí nhiều hơn mới có dăm bảy khách vãng lai ghé mua. Biết là khó bề trụ nổi, nên chị H’Liya đã chuyển sang kinh doanh đồ uống giải khát. Có thể nói, không riêng gì chị H’Liya mà nhiều shop bán thổ cẩm khác trên địa bàn thành phố phải chuyển hướng kinh doanh từ mặt hàng truyền thống này sang đồ mỹ nghệ lưu niệm được làm từ gỗ, đá, tre trúc… hoặc thời trang trẻ trung và hiện đại.

“Lực bất tòng tâm”

Nhiều nghệ nhân từng gắn bó với nghề dệt thổ cẩm nhiều năm, thậm chí cả đời trắc ẩn: Từ chỗ người làm lẫn người bán thổ cẩm đều bế tắc như vậy, nên không lạ gì trong các buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ  hiện nay đều vắng hoe khung cửi. Ngay cả những hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm được thành lập nhiều năm trước đây và từng có thương hiệu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như Alê A, Đăm Ye, Buôn Bông… giờ cũng lay lắt, eo sèo. Thi thoảng mới thấy vài Amí lớn tuổi ngồi dệt đôi ba tấm đắp, khăn địu để dùng, hoặc tặng cho người thân, chứ tuyệt nhiên không nghĩ đến chuyện bán mua như trước. Chị H’Lung bảo họ làm là bởi nhớ nghề, nhớ không khí rộn ràng khung cửi trong mỗi buôn làng thuở trước.

Các sản phẩm thổ cẩm đẹp, nhưng khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ.  Ảnh: Duy Tiến
Các sản phẩm thổ cẩm đẹp, nhưng khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ. Ảnh: Duy Tiến

Đến nay chỉ còn lại HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao – TP. Buôn Ma Thuột) là hoạt động cầm chừng. Chị H’Dăm Niê - Chủ nhiệm HTX này than vãn: Dù đã chạy vạy ngược xuôi để tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng vẫn không ăn thua gì. Sản phẩm làm ra cứ dồn ứ khiến đồng vốn bỏ ra không thể quay vòng, do vậy quy mô sản xuất cũng bị thu hẹp dần, xã viên không còn thiết tha với nghề này nữa, nhiều chị em phải rời xa khung dệt để bươn bả trồng trọt, hoặc chăn nuôi kiếm sống.

Thực tế cho thấy không những trong các hộ gia đình, mà trong các làng nghề một thời nức tiếng cũng đều rơi vào hoàn cảnh người thì quay quắt, chạnh lòng - kẻ thì phiêu dạt, tứ tán khắp nơi tìm kế sinh nhai, mặc cho thổ cẩm “lụi tàn” theo thời cuộc.

 (Còn nữa)

Đình Đối

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.