Tìm cách đưa thổ cẩm hồi sinh (Kỳ 2)
Kỳ2: Kết hợp thổ cẩm với du lịch
Không ít làng nghề thổ cẩm trên địa bàn Đắk Lắk đã mạnh dạn hướng tới việc kết hợp với du lịch nhằm vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng truyền thống này. Tuy nhiên, trên thực tế việc làm ấy còn gặp nhiều khó khăn.
Giới thiệu, quảng bá văn hóa thổ cẩm
Cách đây vài năm, ý tưởng trên đã được một số nhóm hộ, hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm ở TP. Buôn Ma Thuột đồng lòng và hăm hở thực hiện. Những cái tên làng nghề thổ cẩm như Alê A (phường Ea Tam), Đăm Ye (phường Tân An) và Tơng Bông (xã Ea Kao), buôn Bông (xã Cư Êbur), buôn Sưt (Cư M’gar)… đã từng nổi lên như những điểm đến du lịch hấp dẫn, nhờ mối liên kết, hợp tác với các đơn vị làm du lịch trên địa bàn Đắk Lắk đưa khách đến trải nghiệm, tham quan và mua sắm.
Nghệ nhân dệt thổ cẩm Êđê ở buôn Sút, xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar thể hiện kỹ thuật tạo hoa văn truyền thống. |
Để làm được điều đó, những làng nghề này đã có bước chuẩn bị khá kỹ lưỡng và chu đáo. Theo chị H’Miriam (HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông) và Amí Liu (buôn Alê A), ngoài việc tích cực sưu tầm, thiết kế mẫu mã mới lạ và bắt mắt; tích cực truyền dạy nghề cho con cháu; đầu tư mở rộng quy mô sản xuất… thì vấn đề tìm cách giới thiệu, quảng bá văn hóa thổ cẩm cho du khách cũng được cộng đồng quan tâm. Mọi người xem đó là cầu nối (dưới góc nhìn văn hóa) để đưa khách hàng gần xa đến với mặt hàng giàu bản sắc này. Những nỗ lực ấy đã nhanh chóng mang lại không khí và sức sống mới cho làng nghề thổ cẩm ở đây, thu hút khách du lịch tìm đến. Qua việc giới thiệu, quảng bá và phô diễn văn hóa thổ cẩm của các nghệ nhân, du khách thật sự thích thú và ngỡ ngàng. Nhờ vậy một số mặt hàng chủ lực và công phu nhất như váy, khố, áo, tấm đắp… được bán với giá khá cao, đủ cho cho chị em trang trải cuộc sống và tái đầu tư sản xuất.
Doanh nghiệp làm du lịch phải đặt mối chia sẻ lợi ích giữa hai bên lên hàng đầu, chứ không nên xem các làng nghề là đối tượng, tài nguyên đơn thuần để khai thác và thậm chí là “bóc lột”.
Ông Y Kô Niê, Phó Trưởng Phòng Quản lý văn hóa – Sở VH-TT-DL
|
Những tưởng, từ đó mọi người có thể sống được và gắn bó với thổ cẩm như xưa. Ngặt một nỗi, hạ tầng cơ sở (nhà xưởng, không gian trưng bày sản phẩm, dịch vụ ăn, ở và sinh hoạt…) nhằm phục vụ “thượng đế” ngày càng lộ rõ những hạn chế và bất cập, khiến tần suất cũng như số lượng du khách đến đây ngày càng giảm dần, rồi mất hút. Ông Y Phai Byă, một trong những người đứng ra kết nối du lịch với làng nghề thổ cẩm buôn Bông thừa nhận “khoảng trống” cơ sở hạ tầng ấy là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại trong đường hướng liên kết, hợp tác giữa hai ngành nghề trên. Ông Y Phai cho hay, đã có nhiều hộ gia đình chạy vạy tìm nguồn vốn đầu tư để khắc phục điểm yếu này, nhưng “lực bất tòng tâm”. Rốt cục, số phận của thổ cẩm không thoát ra được tình cảnh bế tắc như trước. Những cuộc chia tay với nghề truyền thống – và cũng là vốn văn hóa giàu bản sắc của các cộng đồng người bản địa cứ tiếp tục nối dài, dù không ai muốn (!?).
Ai “tiếp sức” cho thổ cẩm?
Ông Y Kô Niê – Phó Trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT-DL) cho rằng phải có đề án cụ thể, chi tiết và khả thi để giúp thổ cẩm sống lại và phát triển. Trong đó vai trò của Nhà nước, trực tiếp là chính quyền địa phương về vấn đề quy hoạch, vốn đầu tư và quảng bá sản phẩm cho bà con cần phải được quan tâm đúng mức và kịp thời. Theo đó, các doanh nghiệp làm du lịch khi liên kết, hợp tác với các làng nghề thổ cẩm để đưa khách đến cũng phải cộng đồng trách nhiệm với bà con trong việc kiến thiết cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển chung. Nói cách khác là phải đặt mối chia sẻ lợi ích giữa hai bên lên hàng đầu, chứ không nên xem các làng nghề là đối tượng, tài nguyên đơn thuần đề cho du lịch khai thác, thậm chí là “bóc lột”.
Du khách trải nghiệm cùng dệt thổ cẩm tại Buôn Ma Thuột. |
Còn về phía các ban, ngành liên quan, theo ông Y Kô Niê thì đến nay bộ phận nghiệp vụ (Phòng Quản lý văn hóa – Sở VH-TT-DL) đã phối hợp với nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong làng thổ cẩm nghiên cứu, tìm hiểu và văn bản hóa các yếu tố văn hóa đặc sắc về thổ cẩm để giúp cho bà con có “cẩm nang” cơ bản nhằm quảng bá và phát triển nghề truyền thống này. Song, trên thực tế, những người làm thổ cẩm - hoặc là do thiếu sự đầu tư (vốn, kỹ năng tiếp thị), hoặc là do mối liên kết và hợp tác giữa du lịch với các làng nghề còn lỏng lẻo, không thường xuyên nên chưa tạo được động lực và cơ hội cho thổ cẩm “lột xác” vươn lên.
Nhiều nghệ nhân có tâm huyết với thổ cẩm luôn suy tư: Bất kỳ một ngành nghề nào, khi vốn văn hóa của nó có bề dày và độc đáo thật sự thì sức hút và sự lan tỏa đến với người tiêu dùng là rất lớn và là rất giàu tiềm năng. Vấn đề ở đây là làm sao để người dệt thổ cẩm trong các làng nghề đưa vốn văn hóa ấy đến với khách hàng. Ngoài chủ thể ra, phải có bước “tiếp sức” của các cấp, ngành chức năng. Bởi nói như chị H’Miriam (HTX thổ cẩm Tơng Bông) - yếu tố văn hóa của mỗi làng nghề không tự thân đến được với khách hàng, nhất là trong hoạt động du lịch, mà cần sự vào cuộc từ nhiều phía: Nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp. Một khi mối liên kết ấy thật sự bền chặt và có trách nhiệm thì thổ cẩm ở đây mới có điều kiện và cơ hội hồi sinh.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc