Multimedia Đọc Báo in

Món quà quý cho con cháu của người Êđê

07:04, 17/06/2018

Đối với người đồng bào Tây Nguyên nói chung và cộng đồng người Êđê nói riêng, chiếc gùi không chỉ là vật dụng quen thuộc phục vụ trong đời sống hằng ngày mà đây còn là món quà quý mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc cho con cháu trong gia đình.

Già Y Prênh Ayun (75 tuổi) ở buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar được biết tới là người đan gùi đẹp nhất nhì của xã. Bởi thế mà những chiếc gùi do tay già đan rất được các chị em phụ nữ buôn gần buôn xa đặt làm mỗi khi cần mua mới. Người thân trong gia đình từ chị em, con gái, con dâu, cháu dâu đến cháu gái… của già Y Prênh đều được nhận quà là  những chiếc gùi xinh xắn chính tay già đã kỳ công ngồi mấy ngày liền để đan làm sao phù hợp theo kích cỡ với từng thành viên. Già Y Prênh kể: Tất cả chiếc gùi của người thân trong gia đình từ trước tới nay đều một tay già đảm nhận làm để tặng cho con cháu với mong muốn các cháu siêng năng, biết vun đắp cho gia đình về sau. Đặc biệt là xưa kia, hầu như người đàn ông nào trong gia đình truyền thống của Êđê mình cũng đều biết đan lát để làm ra các sản phẩm như cái nong, cái nia sàng gạo và không thể thiếu là những chiếc gùi phục vụ các công việc trong gia đình. Còn bây giờ, theo thời gian ngày càng ít người còn tâm huyết với công việc chẻ tre, vót nứa để đan lát.

Già Y Prênh Ayun ướm thử chiếc gùicho cháu gái.
Già Y Prênh Ayun ướm thử chiếc gùicho cháu gái.

Người Êđê quan niệm rằng người phụ nữ truyền thống là người thuần thục các công việc như: gùi nước, chẻ củi, xếp củi, đi suối lấy nước, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp…, bởi thế khi trong gia đình, dòng tộc có người biết đan gùi thì họ sẽ tặng chiếc gùi đó cho người bạn đời với ngụ ý là “nhấn mạnh” vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Tiếp đó mới lần lượt đến các chị em khác cho đến cháu gái, đặc biệt là cháu gái đầu lòng sẽ được tặng ngay khi cháu bé đó mới lớn hoặc lúc thành thiếu nữ. Vừa nói ông Y Prênh vừa chỉ lên chiếc gùi cháu gái ông đang đeo: “Đấy là chiếc gùi tôi tặng cháu gái tôi là H’Hà, mong cháu siêng gùi nước, đi rẫy hái rau”.

Không chỉ đơn thuần là món quà tinh thần, thông qua hình ảnh chiếc gùi, những người lớn tuổi trong cộng đồng người Êđê còn ngầm ý giáo dục chị em phụ nữ, con cháu trong gia đình truyền thống của mình khi trưởng thành sẽ học hỏi những điều hay lẽ phải, báo hiếu ông bà cha mẹ. Chị H’ Đum Niê, ở buôn Kó Mliâo, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay: “Trước đây khi ông nội tôi còn sống, ông hay đan gùi dành tặng cho tôi và mọi người trong gia đình. Tôi còn nhớ như in lời ông dặn khi ông ướm thử chiếc gùi nhỏ xinh trên lưng tôi là: sau này cháu phải sống tốt, biết tự làm mọi việc để tự lập và giúp đỡ cha mẹ trong mọi việc. Là con gái Êđê nhất định phải biết gùi nước, gùi rau. Hãy gùi trên lưng những ước mơ mà buôn làng ta chưa ai dám làm”.

Người dân ở buôn Ea Bông, xã Cư Ebuôr (TP. Buôn Ma Thuột) đan gùi
Người dân ở buôn Ea Bông, xã Cư Ebuôr (TP. Buôn Ma Thuột) đan gùi.

Ngày nay, tuy nhiều gia đình người Êđê đã hòa nhập với nhịp sống của xã hội hiện đại, thế nhưng “chiếc gùi” của  buôn làng mà người thân dành tặng sẽ là những món quà quý giá mang giá trị tinh thần không có bất cứ cái gì có thể thay thế được.

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.