Bếp lửa trong đời sống của người Cor
Cũng giống như nhiều dân tộc khác sinh sống trên vùng Trường Sơn, đối với người Cor ở huyện vùng cao Bắc Trà My (Quảng Nam), bếp lửa có vai trò rất quan trọng, vừa là chỗ đun nấu, bảo quản lương thực, đề phòng thú dữ vừa là biểu tượng cầu mong sự may mắn, đầm ấm, no đủ.
Người Cor xưa thường sống ở những làng gọi là plơi dựng nơi lưng chừng núi, ven suối, sông hay thung lũng. Plơi là một nóc nhà sàn có khi dài tới hàng trăm mét, nhà được chia thành hai phần, một nửa chạy suốt hai cầu thang đầu hồi gọi là Gưl (tức là nhà làng) làm nơi sinh hoạt chung, làm nơi ở cho già làng và thanh niên chưa vợ; phần còn lại gọi là Tum được chia thành từng buồng, mỗi buồng có một bếp lửa, làm nơi ở cho các đôi vợ chồng và con cái, có cửa thông với Gưl. Bếp lửa truyền thống của người Cor được kê nấu với ba hòn đá cuội lấy từ đầu nguồn con suối về. Bếp lửa được đặt ở sát buồng, sao cho ánh nắng không chiếu thẳng vào giữa bếp; xung quanh bếp phải có một khoảng rộng để đi lại và ngồi quây quần. Bếp lửa là nơi dành cho phụ nữ Cor nấu đồ ăn, thức uống và là nơi để các thành viên quây quần nói chuyện, nhất là vào những ngày đông giá rét, ăn cơm cũng ngồi quanh bếp.
Sinh hoạt quanh bếp lửa nhà sàn người Cor. |
Ngay tại không gian nấu nướng của người Cor, bao giờ cũng có gác bếp là các thanh cây gỗ, lồ ô, được bắc với nhau theo chiều dài của gian nhà tạo nên không gian bếp thoáng đãng. Gác bếp được treo ngay phía bên trên bếp lửa, trên tầm người đứng. Cạnh gác bếp bao giờ cũng có cầu thang bằng gỗ để tiện lên gác bếp lấy vật dụng sinh hoạt. Gác bếp là nơi bảo quản hạt giống, các công cụ nông nghiệp, củi, nơi để thức ăn, hay bó măng khô cũng được cất giữ trên đó. Bếp của người Cor suốt ngày đêm ấm lửa, ngay cả khi không đun nấu gì bởi trong bếp bao giờ cũng có một gốc củi to luôn ngún đỏ, cháy âm ỉ. Theo quan niệm của người Cor, trong nhà lúc nào cũng phải có lửa để xua đuổi ma tà, thú dữ và thể hiện sự đầm ấm, no đủ. Đó là cách giữ lửa theo thói quen mà ông cha người Cor để lại. Do bếp lúc nào cũng đượm hơi lửa, hơi khói nên đồ vật để ở đây không sợ bị hư hỏng, mối mọt, ẩm mốc.
Sau một ngày làm lụng vất vả, buổi tối người Cor thường quây quần xung quanh bếp lửa sưởi ấm, nói chuyện mùa màng thời vụ, nương rẫy; những người già kể cho con cháu nghe về chuyện cổ tích, về dòng họ, về phong tục tập quán dân tộc mình cũng như răn dạy con cháu điều hay lẽ phải. Những đêm mùa đông của vùng cao yên ắng, tĩnh lặng, bếp lửa càng thêm phần ấm áp, giúp hong khô quần áo những ngày mưa dài. Người Cor dù xưa hay nay vẫn luôn nhắc nhở trẻ nhỏ không được đặt chân lên bếp khi ngồi cạnh bếp lửa. Theo họ, đây là nơi trú ngụ của Thần lửa. Khi cho củi vào bếp không được đặt củi xuống nền mạnh, không được khạc nhổ ở xung quanh hay ngồi quay lưng lại bếp lửa, vì như vậy sẽ thiếu kính trọng với Thần bếp.
Ngày nay, cuộc sống của người Cor có nhiều thay đổi và chịu ảnh hưởng bởi sự du nhập của nhiều nét văn hoá các dân tộc khác. Nhiều gia đình người Cor đã tách riêng ra sống trong từng ngôi nhà trệt, và đa phần không còn dùng đá để làm bếp nữa mà thay vào đó là mua bếp kiềng dáng ba chân của người Kinh về dùng, hoặc chuyển sang dùng bếp gas. Tuy nhiên, bếp lửa vẫn luôn có vai trò rất quan trọng trong tâm thức người Cor. Và trong ký ức nhiều người Cor, bếp lửa gắn liền với cái gác bếp mãi là hình ảnh thân thương không thể nào quên được…
Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến bạn đọc