Gậy chọc lỗ tra hạt - công cụ canh tác truyền thống của người M'nông, Êđê
Người M’nông, Êđê xưa kia có lối sống du canh, du cư nên công cụ, dụng cụ lao động sản xuất trên rẫy hằng ngày của họ thường rất thô sơ. Trong đó, gậy chọc lỗ tra hạt là một công cụ lao động thô sơ dùng để tra trỉa các loại hạt giống trên rẫy.
Gậy chọc lỗ tra hạt có kết cấu đơn giản, chỉ là một thân gỗ có độ dài từ 2 - 3 m nhỏ hơn cổ tay, một đầu được vót nhọn. Gậy làm từ một cây gỗ rừng mọc ở đầu nguồn các con suối đá, loài cây mọc thẳng thành cụm từ 3 - 4 cây. Người M’nông, Êđê thường chọn cây dừa rừng làm gậy chọc lỗ tra hạt vì cây rất cứng, chắc, thẳng. Họ thường chặt cây mới chết khô mang về đẽo bỏ phần ngoài vỏ và chỉ lấy phần lõi cây, gọt đều, vót trơn. Khi đẽo gậy, họ đẽo từ đầu to đến đầu nhỏ, đầu to gọt nhọn để chọc lỗ, ở phần ngọn đẽo một hình thoi rộng vừa phải dùng để trang trí, vừa có tác dụng giữ cho gậy không bị chệch hướng khi chọc lỗ.
Trước khi vào rừng tìm cây làm gậy chọc lỗ tra hạt, người M’nông, Êđê thường làm một lễ cúng. Lễ vật gồm có một con gà và một ché rượu cần. Khi đã chọn được cây rồi cũng cúng một con gà, một ché rượu; chủ lễ đổ rượu pha huyết gà vào gốc cây và đọc lời khấn trước khi chặt cây xin phép thần rừng, thần núi xin cây về, cầu mong khi chặt cây, cây không đè người, rìu, xà gạc đốn cây không văng đụng người.
Tái hiện hình ảnh chọc lỗ tra hạt trong một lễ cầu mùa. Ảnh: dantocmiennui.vn |
Mỗi khi đến mùa tra trỉa hạt giống, mọi gia đình trong bon/buôn lại tiến hành làm lễ cúng tra trỉa. Chủ nhà bày sẵn ché rượu cúng ở gian khách, các loại hạt giống khác nhau để trong cái nia cùng với các dụng cụ lao động khác và những cây gậy chọc lỗ tra hạt được đặt cạnh làm lễ vật cúng. Lễ vật thường thì là con gà hay con heo kẹp nách (5 kg). Chủ nhà ngồi bên nia hạt giống, tay cầm bát đựng huyết hòa với rượu khấn cầu thần linh phù hộ cho cây cối tươi tốt, không bị sâu bệnh, không bị thú hoang phá hoại, mang lại một mùa bội thu… Khấn xong rồi tưới huyết gà lên các cây gậy chọc lỗ tra hạt và các loại hạt giống.
Người M’nông, Êđê thường có thói quên đổi nhân công cho nhau. Những gia đình ít nhân khẩu tiến hành đổi công cho những gia đình khác; sau khi tra trỉa xong phần rẫy nhà mình thì qua giúp phần rẫy nhà người khác, cứ như thế diễn ra liên tục cho đến khi kết thúc mùa tra trỉa. Khi tra trỉa hạt giống, từng cặp nam nữ đi với nhau, đàn ông đi trước hai tay cầm hai chiếc gậy chọc các lỗ đều đặn và nhanh chóng, đàn bà đi sau cầm hạt giống tra vào các hốc và dùng chân gạt đất lại. Khoảng cách giữa các hốc phụ thuộc vào độ màu mỡ của đất.
Khi mùa tra trỉa kết thúc, gậy thường được chủ nhà cất trên gác bếp để tránh mối mọt hay để trong góc nhà. Theo quan niệm, người M’nông, Êđê khi tra trỉa trên rẫy, cũng như lúc nghỉ tay hay không sử dụng thì gậy phải được dựng đứng.
Ngày nay, đồng bào M’nông, Êđê ở các buôn làng đã chuyển sang sử dụng công cụ, máy móc hiện đại để gieo trồng thay thế cho các công cụ lao động thô sơ truyền thống. Nhưng đối với đồng bào Tây Nguyên nói chung và người M’nông, Êđê nói riêng, những công cụ tra trỉa thô sơ như gậy chọc lỗ tra hạt vẫn là dấu ấn đậm nét trong tập quán canh tác của đồng bào.
Đoàn Nhân
Ý kiến bạn đọc