Lưu giữ nét văn hóa truyền thống ở buôn Kala
Giữa bộn bề, nhộn nhịp của cuộc sống hiện đại, những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn được đồng bào Êđê ở buôn Kala (xã Đray Sáp, huyện Krông Ana) lưu giữ và phát triển.
Về buôn Kala, hỏi thăm nghệ nhân Y Blor Kbuôr không ai là không biết đến, bởi ông đã có nhiều nỗ lực trong quá trình bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những cống hiến của ông không chỉ là việc tham gia biểu diễn cồng chiêng, sử dụng thành thạo và chế tác các loại nhạc cụ dân tộc mà hơn thế nữa, ông Y Blor đã không mệt mỏi trong việc truyền dạy đánh cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc cho thanh thiếu niên trong xã và cả các lớp do huyện tổ chức. Có lẽ, đến nay ông cũng chẳng nhớ hết được mình đã truyền dạy cồng chiêng cho bao nhiêu người, nhưng điều ông nhớ mãi là những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông sẽ tiếp tục được lưu truyền mà không bị mai một trong cuộc sống hiện đại. Năm nay dù đã bước sang tuổi 74, nhưng ông Y Blor vẫn luôn hăng hái trong các hoạt động văn hóa văn nghệ của buôn, kể cả những hội thi, hội diễn trong và ngoài địa phương.
Anh Y Sai (bên trái) giới thiệu bộ chiêng cổ gia đình đang lưu giữ. |
Ngoài nghệ nhân Y Blor, ở buôn Kala hiện vẫn còn rất nhiều người biết đánh chiêng, chế tác nhạc cụ, dệt thổ cẩm, hát dân ca như già Tun Phen, Mí Dni hay ông Y Pha, Y Dậu… Hằng ngày ngoài việc nương rẫy, họ vẫn thường tập hợp luyện tập cùng hát những điệu dân ca, đánh những bài chiêng, chế tác nhạc cụ. Họ cũng là thành viên của đội văn nghệ với hơn 10 người để biểu diễn trong các ngày lễ hội của buôn, xã hay các hội thi, hội diễn từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh.
Không chỉ những người già mà lớp trẻ trong buôn Kala cũng đã có nhiều nỗ lực bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua việc tham gia những lớp học đánh chiêng, dệt thổ cẩm và gìn giữ những bộ chiêng cổ quý hiếm của cha ông để lại. Như gia đình anh Y Sai Niê đang lưu giữ bộ chiêng cổ gồm 8 cái, 1 cái trống và 1 ghế kpan thường dùng để phục vụ trong các lễ hội của buôn làng. Với anh, bộ chiêng là tài sản vô giá bởi nó đã được lưu truyền qua bao thế hệ gia đình. Hơn thế nữa, nó đã theo chân đội văn nghệ tham gia các hội thi, hội diễn. Anh Y Sai chia sẻ, từ khi bố mẹ còn sống đã luôn nâng niu, gìn giữ bộ chiêng như chính con cái mình. Dẫu cuộc sống rất nhiều khó khăn và cũng có người tìm đến hỏi mua bộ chiêng với giá rất cao nhưng gia đình vẫn không bao giờ có ý định bán, kể cả lúc rơi vào cảnh hết sức ngặt nghèo, khốn khó. Bây giờ, khi bố mẹ đã mất đi, vợ chồng anh Y Sai vẫn trân trọng, lưu giữ bộ chiêng cho con cháu sau này.
Người dân buôn Kala tham gia phần thi dệt thổ cẩm trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Krông Ana. |
Bên cạnh những cố gắng, nỗ lực tự trong nhận thức của người dân, phải kể đến vai trò của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng nhằm khơi dậy ý thức gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông, địa phương đã phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, các hội thi, hội diễn như diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca, dệt thổ cẩm... Ông Hòa Quang Trịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đray Sáp chia sẻ: “Thiết nghĩ, việc phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân phải đi đôi với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Để tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa đó, ngoài các chính sách, nỗ lực của địa phương rất cần có sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các cấp, ban, ngành”.
Với những hoạt động thiết thực ở buôn Kala đã và đang tạo động lực, tinh thần trách nhiệm trong việc gìn giữ, đưa các giá trị văn hóa truyền thống trở nên thân thuộc, sống động trong đời sống hằng ngày của mỗi người dân.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc