Multimedia Đọc Báo in

Trải nghiệm thú vị ở Đảo Khỉ Cần Giờ

09:41, 25/09/2018

Cần Giờ được biết đến là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Việt Nam, có hệ sinh thái đa dạng, thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan ngày cuối tuần, đặc biệt là trong dịp lễ. Một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi đến với nơi này chính là Đảo Khỉ - nơi cư trú của nhiều loài khỉ .

Trong một dịp vào Sài Gòn chơi, gia đình tôi được người bạn thân dẫn đi Đảo Khỉ - Cần Giờ để tận hưởng không khí trong lành sau những ngày ở trong thành phố ồn ào náo nhiệt. Để chủ động về mặt thời gian và có thể ghé bất cứ địa điểm nào mình thích, chúng tôi chọn xe máy làm phương tiện di chuyển. Vượt chặng đường 20 km từ trung tâm TP. Hồ Chí Minh đi qua phà Bình Khánh, đi thêm khoảng 30 km về phía Đông - Nam là gặp Đảo Khỉ ẩn mình trong khu rừng ngập mặn Cần Giờ.

Khách tham quan cho khỉ ăn ở Đảo Khỉ Cần Giờ.
Khách tham quan cho khỉ ăn ở Đảo Khỉ Cần Giờ.

Vào dịp cuối tuần nên khá đông khách đến Đảo Khỉ, chúng tôi gửi xe máy ở bãi giữ xe rồi tiếp tục di chuyển vào trong khu du lịch bằng xe điện. Dọc hai bên đường khỉ tập trung thành hàng như chào mừng khách đến với vương quốc của chúng. Vừa bước xuống xe điện, tôi được một chú khỉ “hỏi thăm” bằng pha “giật” chai nước ngọt trên tay nhanh như chớp khiến tôi bị “đứng hình” vài giây. Quan sát thì thấy cứ mỗi lượt khách vừa trên xe điện xuống, những chú khỉ tinh khôn nhanh mắt tìm người nào sơ hở xách theo món đồ mà lọt vào tầm ngắm là chúng “ra tay” chớp nhoáng trước sự ngỡ ngàng của khách. Ngay tại cổng soát vé, mặc dù đã có biển báo cấm khách du lịch xách đồ ăn thức uống trên tay, thậm chí loa đài phát thanh phát liên tục để nhắc nhở, tuy nhiên vẫn có vài nhóm khách chủ quan không để ý, để rồi tạo điều kiện cho những chú khỉ tinh ranh giật đồ ăn. Và đã có không ít cô bé, cậu bé khóc vì quá hoảng sợ, nhưng những chú khỉ chỉ giành lấy đồ ăn chứ không hề tấn công người. Ngoài chiêu giật  thức ăn , lũ khỉ tinh nghịch trên đảo còn hứng thú với việc trêu ghẹo khách tham quan bằng các chiêu tinh quái khác như giật mũ nón, mắt kiếng, hay thò tay móc điện thoại trong túi quần áo. Một khi đã “cướp” được chúng nhảy tót lên cành cây cao khiến cho nhiều người rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Chỉ đến khi các nhân viên tại đây ra hiệu và “dụ” bằng cách cho đồ ăn may ra lũ khỉ mới chịu trả.

Khỉ mẹ bồng con là hình ảnh dễ bắt gặp khi đến Đảo Khỉ.
Khỉ mẹ bồng con là hình ảnh dễ bắt gặp khi đến Đảo Khỉ.

Khỉ vốn là loài linh trưởng có tập tính sống theo bầy đàn, có tính kỷ luật cao, tinh thần cố kết trong cộng đồng vững chắc. Chúng rất hiếu động và nhanh nhẹn, đến Đảo Khỉ Cần Giờ du khách dễ dàng bắt gặp cảnh các chú khỉ ngồi cấu chí, chải lông, chăm sóc cho nhau hết sức tình cảm. Hay cảnh khỉ mẹ cõng trên lưng một chú khỉ con, dạy chúng cách tự kiếm ăn, chuyền từ cành này sang cành khác, khi đi bất kỳ đâu đều không quên ôm con theo… Các nhân viên tại Đảo Khỉ cho biết, hiện trên đảo có khoảng 2.000 con khỉ, trong đó chủ yếu là khỉ đuôi dài, loài thường cư trú dọc theo các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau và thích ăn những loại lá cây rừng, lá mắm, bần, đước... Chế độ dinh dưỡng của đàn khỉ cũng được chăm chút khá kỹ lưỡng. Ngoài hoa quả, lá cây, thức ăn chính của chúng là gạo lức rang, mỗi tháng cả đàn khỉ ăn hết khoảng 2 tấn gạo.

Đến Đảo Khỉ Cần Giờ, ngoài được vui đùa, cho khỉ ăn và chụp hình kỷ niệm với chúng, du khách còn được dạo bước dưới tán rừng đước phủ thành vòng cung với những bộ rễ chằng chịt tiếp nối nhau đẹp như tranh vẽ. Hệ sinh thái rừng nguyên sinh nơi đây thực sự là nơi lý tưởng để mọi người có thể thư giãn, hòa mình với thiên nhiên hoang dã sau những ngày học tập làm việc căng thẳng.

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.