Multimedia Đọc Báo in

Thưởng thức trà đạo Nhật Bản trên cao nguyên Đắk Lắk

11:31, 12/10/2018

Chắc hẳn nhiều người đã từng nghe nói về văn hóa trà đạo nổi tiếng của Nhật Bản, song có lẽ không mấy ai may mắn có cơ hội tận mắt chứng kiến cách thức pha trà cầu kỳ cũng như thưởng thức hương vị đặc biệt ấy. Trong khuôn khổ chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước (1973-2018) tổ chức tại Đắk Lắk vừa rồi, chúng tôi đã được “mục sở thị” nghệ thuật pha và nhâm nhi, thưởng thức hương vị đặc biệt của các loại trà được mang đến từ xứ sở hoa Anh đào.

Buổi giao lưu được tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Ko Tam (TP. Buôn Ma Thuột), trong khung cảnh gần gũi, tĩnh lặng giữa thiên nhiên, phù hợp với không gian của buổi trà đạo. Đông đảo du khách mải mê quan sát, dõi theo, tìm hiểu các thao tác pha cũng như thưởng thức trà của người Nhật. Nghệ nhân pha trà, chị Ryoko Shinse, đến từ tỉnh Hyogo (Nhật Bản) với những thao tác nhẹ nhàng, chậm rãi, khéo léo thực hiện các công đoạn pha trà và giải thích với du khách thông qua phiên dịch viên. Chị cho biết, với người Nhật, pha trà là cả một nghệ thuật tinh túy, trong đó bao hàm cả những triết lý, vì vậy công đoạn pha trà rất công phu, tỉ mỉ. Toàn bộ dụng cụ pha trà đều được đưa từ Nhật Bản sang. Chiếc ấm đun nước bằng đất nung đặc biệt được hun bằng lửa than nhỏ, nước sôi đến khoảng 80 – 90 độ thì đem rót vào các chén đã có trà, được chế biến dưới dạng bột. Nghệ nhân Ryoko Shinse lấy một dụng cụ đánh trà mà người Nhật gọi là chasen, tay trái nhẹ nhàng nâng chén trà, tay phải dùng chasen đánh trà theo chiều kim đồng hồ. Khi bột trà đã hòa tan, thành một màu xanh mát mắt, chị lại dùng chasen đánh đều cho trà sủi lên tý bọt và mời, hướng dẫn khách cách thưởng thức trà. Khách đặt tay trái dưới chén trà, tay phải nhẹ ôm lấy thân tách trà, xoay một vòng tròn cũng theo chiều kim đồng hồ rồi mới đưa lên, thong thả nhấp từng ngụm để cảm nhận được vị đặc biệt của trà. Trà Nhật Bản có màu sắc riêng, xanh đậm, tỏa hương thoang thoảng, nhấp uống trà không gắt mà để lại dư vị ngọt dịu, thanh mát.

Nghệ nhân Ryoko Shinse (bên phải) pha trà mời khách.
Nghệ nhân Ryoko Shinse (bên phải) pha trà mời khách.
 
“Nghệ thuật trà đạo đã trở thành một phần của cuộc sống, gắn bó mật thiết, không thể tách rời với người Nhật Bản. Dẫu trong cuộc sống xô bồ, tất bật mưu sinh, người Nhật luôn dành một khoảng thời gian, thưởng thức trà đạo để lắng đọng tâm hồn, hòa mình vào thiên nhiên, chiêm nghiệm lại bản thân”.
 
 Nghệ nhân Ryoko Shinse

Thưởng thức trà đạo Nhật Bản trong không gian gần gũi với thiên nhiên  khiến cho con người lắng đọng trong cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát, tạm quên đi cuộc sống xô bồ, ồn ào, náo nhiệt bên ngoài. Chị Ryoko Shinse cũng tiết lộ thêm, một trong những bí quyết để có thể pha trà ngon, hài lòng khách thưởng thức đó chính là nghệ thuật hãm nước. Nước phải đủ độ, không quá sôi sẽ làm cho màu trà không đẹp mắt, trái lại, nếu nước không đủ độ, trà sẽ không tan, người thưởng thức không cảm nhận hết hương vị của trà.

Tại buổi giao lưu, chị Ryoko Shinse cùng các bạn cũng đã chuẩn bị một vài món ngọt, kèm theo với trà để khách thưởng thức. Đó là những chiếc bánh đậu xanh nhỏ, xinh xắn được bài trí trên những chiếc khăn giấy cầu kỳ, kèm theo những viên đường dùng với trà được làm từ Nhật Bản. Sau mỗi ngụm trà, tùy theo khẩu vị, sở thích, thực khách có thể nhâm nhi lát bánh đậu xanh ngọt bùi, hoặc thêm tí đường kết hợp, tạo nên hương vị đậm đà, không thể nào quên.

Các bạn Nhật Bản đang làm món tráng miệng mochi.
Các bạn Nhật Bản đang làm món tráng miệng mochi.

Trong khuôn khổ chương trình giao lưu văn hóa, các bạn Nhật Bản cũng giới thiệu món tráng miệng nổi tiếng của Nhật Bản, chuẩn bị nguyên vật liệu và chế biến ngay tại buổi giao lưu để du khách tìm hiểu. Đó là món mochi, thoạt nhìn trông giống như món bánh dày của Việt Nam, được làm từ gạo nếp. Gạo nếp thơm đã qua chọn lựa kỹ lưỡng, được nấu chín, cho vào cối giã thật nhuyễn, sau đó nặn thành các hình tròn và lăn với bột để bánh khỏi dính. Khi thưởng thức, thực khách có thể dùng không hoặc cho nhân được làm bằng đậu xanh vào giữa. Vị dẻo, thơm của nếp, cộng thêm hương vị nhân đậu xanh bùi ngọt đã tạo nên hương vị đặc trưng, thực khách đã một lần thưởng thức thì không thể nào quên.

Đăng Triều

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.