Multimedia Đọc Báo in

Rộn ràng lễ hội lúa mới của người Thái

17:22, 25/11/2018

Cứ vào khoảng trung tuần tháng 9 âm lịch hằng năm, khi mọi công việc đồng áng đã hoàn tất, người dân buôn Thái, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) lại tổ chức Lễ hội lúa mới (hay còn gọi Tết cơm mới) với ý nghĩa tạ ơn trời đất, ông bà tổ tiên đã giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh, vạn vật sinh sôi nảy nở...

Lễ hội lúa mới được xem là lễ hội lớn nhất trong năm của người Thái nơi đây. Theo thông lệ, cứ 3 năm một lần sẽ tổ chức lễ lớn của cộng đồng trong buôn, các năm còn lại sẽ tổ chức lễ nhỏ tại từng gia đình. Năm nay, lễ cơm mới được người dân buôn Thái tổ chức trọng thể, theo hình thức cộng đồng với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi như: nghi lễ cầu mùa, diễn tấu cồng chiêng, múa mừng lúa mới, giao lưu văn nghệ cùng các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực truyền thống... Để ngày hội được thành công, người dân buôn Thái đã có sự chuẩn bị từ rất lâu và chu đáo từ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người đến việc huy động kinh phí, rồi luyện tập văn nghệ... Già trẻ, gái trai ai nấy đều náo nức, đoàn kết tập trung cho buổi lễ này.

Thiếu nữ Thái  (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar)  duyên dáng  trong điệu múa sạp truyền thống.
Thiếu nữ Thái (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) duyên dáng trong điệu múa sạp truyền thống.

Khi mọi sự chuẩn bị hoàn tất, giờ lành đã đến, người dân tề tựu tại hội trường của buôn để bắt đầu tiến hành buổi lễ. Những điệu múa chào mời được các cụ, các bà, các em biểu diễn mang đậm sắc màu văn hóa dân tộc Thái như: múa chai, múa sạp, cồng chiêng, khua chày... Trong trang phục thướt tha với hàng khuy áo được trang trí cầu kỳ, đẹp mắt, các phụ lão, thanh niên và thiếu nhi đầu vấn khăn, hai tay cầm khăn dài nhảy múa theo điệu nhạc như từng đàn bướm vờn bay. Âm thanh trầm bổng của cồng chiêng, tiếng thậm thình của nhịp chày giã đã mang đến cho không gian lễ hội sự linh thiêng, huyền ảo nhưng cũng không kém phần sôi động.

 
“Lễ hội lúa mới của người Thái ở đây rất đặc biệt và rất thú vị, được bắt nguồn từ vùng đất của người Thái ở Tương Dương (Nghệ An). Sau khi định cư trên quê hương mới hơn 20 năm, họ vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của ông cha và được thể hiện rõ nét qua lễ hội là điều rất đáng trân trọng...”.
 
Bà Linh Nga Niê Kdăm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk

Sau những hoạt động văn nghệ, phần lễ được diễn ra trong không khí trang trọng. Lúc này mọi người tập trung trước cây nêu – nơi đã đặt những lễ vật để bắt đầu cho lễ cúng như: đầu heo, rượu, các sản vật người dân làm ra; trong đó đặc biệt không thể thiếu món cốm mới được làm từ những hạt gạo đầu tiên của mùa thu hoạch. Thầy cúng bắt đầu làm lễ, cảm tạ trời đất, trình lễ vật mời thần linh, tổ tiên, ông bà về dự lễ; đồng thời báo cáo công việc làm ăn của năm qua và khấn cầu thần linh phù hộ cho năm tiếp theo làm ăn thuận lợi, mùa màng tốt tươi, buôn làng yên vui, đoàn kết, thương yêu nhau, nhà nhà hạnh phúc. Lời thầy cúng nhắc nhở con cháu nhớ mình là người lớn lên từ cây lúa, nhờ cây lúa mà trưởng thành; kể lại những giai đoạn vất vả cũng như hạnh phúc của quá trình trồng lúa theo vần, theo điệu: Tháng tư chúng ta gieo hạt/ háng năm trồng cây lúa xuống/ cây lúa nhờ công chăm đẹp như luống rau thơm, rau muống/cây lúa phát triển rào rào như con tôm búng càng tanh tách/lúa đẹp vượt đầu người/đến tháng mười lúa đã đến thì chờ tay người gặt đưa lên gác bếp để làm mẻ cúng đầu tiên/xin dâng lên lễ cúng này... Lời thầy cúng vừa dứt, trống chiêng nổi lên, tất cả người dân trong buôn và du khách cùng hòa vào điệu múa vòng xòe truyền thống... Kết thúc hoạt động nghi lễ, người dân lại cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như: chọi đá, đánh cù, bắn nỏ, ném còn... thể hiện tài năng, sự khéo léo của các chàng trai, cô gái người Thái.

hụ nữ Thái (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) biểu diễn điệu múa chai truyền thống.
Phụ nữ Thái (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) biểu diễn điệu múa chai truyền thống.

Trong không khí rộn ràng, sôi động của ngày hội, thiếu nữ Kha Thị Hằng vui vẻ cho biết: “Là người con của buôn Thái, em rất vui và yêu thích khi được tham dự, góp một chút công sức cùng với mọi người trong buôn tổ chức lễ hội. Đây là dịp để cộng đồng dân tộc Thái ôn lại phong tục tập quán truyền thống của ông cha, từ đó bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình...”.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.