Multimedia Đọc Báo in

Festival Văn hóa Cồng chiêng Gia Lai – 2018: Cồng chiêng đã trở về với không gian "thiêng"

09:08, 15/12/2018

Festival Văn hóa Cồng chiêng Gia Lai - 2018 vừa diễn ra tại TP. Pleiku từ ngày 30-11 đến ngày 2-12 với nhiều hoạt động văn hóa - du lịch phong phú và sôi động.

Điểm nhấn của kỳ Festival năm nay là Ban tổ chức đã gắn cồng chiêng với lễ hội truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ. Hay nói cách khác là đưa cồng chiêng trở về với không gian “thiêng” vốn dĩ, giúp mọi người cảm nhận trọn vẹn và đầy đủ hơn ý nghĩa sâu sắc của Di sản Văn hóa phi vật thể này.

Người Bana vào lễ hội lên nhà rông mới.  Ảnh: Công Đông
Người Bana vào lễ hội lên nhà rông mới. Ảnh: Công Đông

Có thể nói từ năm 2007, sau khi Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại (năm  2005), chính quyền địa phương trong khu vực đã lần lượt tổ chức các kỳ Festival Văn hóa Cồng chiêng nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Động thái ấy được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng đồng thuận, hưởng ứng và lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng. Tuy nhiên, việc tổ chức sự kiện văn hóa này theo đường hướng nào cho hiệu quả, đúng với bản chất và tinh thần mà UNESCO đã vinh danh là vấn đề hết sức đáng quan tâm. Trải qua 5 kỳ tổ chức Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên vào các năm 2007, 2017 (diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk); năm 2009, 2018 (TP. Pleiku - Gia Lai) và năm 2015 (tại TP. Kon Tum) đã cho thấy tính chất, quy mô của nó nhằm đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Cồng chiêng trên địa bàn các tỉnh.

Sắc màu lễ hội của đồng bào Tây Nguyên tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Gia Lai - 2018.  Ảnh: Công Đông
Sắc màu lễ hội của đồng bào Tây Nguyên tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Gia Lai - 2018. Ảnh: Công Đông
 
“Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, vì đó là một phần không thể tách rời trong dòng chảy lịch sử - văn hóa của người Tây Nguyên. Thêm nữa, đó còn là biểu tượng đặc sắc cho trí tuệ, tài năng sáng tạo âm nhạc độc đáo của các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở đây. Muốn hay không muốn, những giá trị ấy của cồng chiêng phải được bảo tồn, gìn giữ nguyên dạng dưới mọi đặc trưng của nó”. 
 
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng Phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT-DL Gia Lai

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên nhận ra, cứ qua mỗi kỳ tổ chức thì những giá trị cốt lõi của văn hóa cồng chiêng ở đây hiện ra đầy đủ, sinh động hơn. Gần đây nhất là 2 kỳ Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột và TP. Pleiku đã cho thấy văn hóa cồng chiêng đã được mọi người cảm nhận, ứng xử với thái độ của “người trong cuộc”, chứ không còn ước lệ một cách nhạt nhòa hoặc sân khấu hóa như trước, làm mất đi (thậm chí biến dạng và méo mó) bản chất, tính đa nghĩa của một giá trị văn hóa tiêu nhất của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Cồng chiêng được trả về nơi chốn sinh thành là nghi lễ, phong tục và lễ hội truyền thống - ở đó chức năng xã hội, tâm linh của cồng chiêng đã được khôi phục, đồng thời chức năng biểu hiện cảm xúc thông qua hình tượng nghệ thuật trình diễn, hát múa của loại hình âm nhạc độc đáo, đặc sắc này đã được chuyên chở, thăng hoa trong tâm hồn chủ thể lẫn khách thể tham gia.

Thật ra, kỳ Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên diễn ra song cùng với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 - 2017, Đắk Lắk đã chú trọng đến việc khôi phục, tái hiện các lễ hội truyền thống gắn với sinh hoạt cồng chiêng như: Lễ cúng sức khỏe, mừng mùa, kết nghĩa anh em của người Êđê; Lễ lên nhà rông mới của người Bana; Lễ bắc máng nước của người Sê Đăng; Lễ chọc lỗ tra hạt của người M’nông; Lễ đón hồn lúa của người K'ho…Trong không gian “thiêng” ấy, mọi người mới hiểu và cảm nhận được những giá trị cốt lõi trên của văn hóa cồng chiêng. Đến kỳ Festival Văn hóa Cồng chiêng Gia Lai - 2018 thì các lễ hội này gắn với âm vang (được hiểu như thông điệp) của cồng chiêng được Ban tổ chức “nhấn mạnh” thêm sự chân thật của nó bằng cách để các đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia tự thân thể hiện, thực hành văn hóa như bao đời nay cha ông họ đã làm mà không cần thông qua “kịch bản” được duyệt từ trước. Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng Phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT-DL Gia Lai) cho rằng, chính điều đó đã góp phần đem lại thành công cho kỳ Festival Văn hóa Cồng chiêng lần này, hơn thế đã tạo ra cách tiếp cận cũng như cái nhìn đúng đắn về đời sống văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

      Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.