Multimedia Đọc Báo in

Viếng đền thờ Bình Tây đại nguyên soái ở Quảng Ngãi

09:07, 15/12/2018

Nằm trên đường dẫn xuống biển Mỹ Khê, cách Khu di tích cấp quốc gia Chứng tích cuộc thảm sát Sơn Mỹ khoảng 800 m, đền thờ Bình Tây đại nguyên soái Trương Định là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất của tỉnh Quảng Ngãi.

Đây là đền thờ Trương Định thứ hai, sau đền thờ ông tại thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) xây năm 1972. Đền thờ tọa lạc ở xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, quê hương của người anh hùng dân tộc Trương Định.

Theo sử sách, Trương Định sinh năm 1820 tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi). Cha ông là Lãnh binh Trương Cầm, từng giữ chức Hữu thủy Vệ úy Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị. Năm 1844, Trương Định theo cha vào Nam. Năm 1850, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của Nguyễn Tri Phương, Trương Định xuất tiền mộ dân nghèo lập đồn điền ở Gia Thuận (Gò Công) nên được nhà Nguyễn bổ làm Quản cơ, hàm chánh lục phẩm.

Đền thờ Bình Tây đại nguyên soái Trương Định.
Đền thờ Bình Tây đại nguyên soái Trương Định.

Tháng 2-1859, thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Trương Định cho đóng quân ở Thuận Kiều, đánh thắng giặc ở Thị Nghè, Cây Me... Đầu năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần hai, Trương Định đem quân phối hợp với binh của tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ tuyến Chí Hòa. Đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông lui về Gò Công, chiêu binh mộ sĩ, trấn giữ vùng Gia Định - Định Tường. Tháng 6-1862, triều đình Huế ký hòa ước với Pháp, xuống chiếu bãi binh, lệnh Trương Định về An Giang giữ chức Lãnh binh. Tuy nhiên, Trương Định đã kháng chiếu, từ chối thư dụ hàng của tướng Pháp, tiếp tục ở lại Gò Công, xưng là Trung thiên Tướng quân, được nhân dân tôn là Bình Tây đại nguyên soái, xây dựng lực lượng, tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Nghĩa quân của ông đã giành được nhiều thắng lợi, gây khiếp sợ và góp phần ngăn chặn âm mưu chiếm nhanh Nam Kỳ của thực dân Pháp.

Ngày 19-8-1864, được tay sai chỉ đường, giặc Pháp bất ngờ tấn công vào đại bản doanh của Trương Định, ông bị trọng thương. Rạng sáng ngày 20-8-1864, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết. Sau khi ông tuẫn tiết, thi hài ông được gia đình và nhân dân an táng trọng thể tại Gò Công. Vua Tự Đức đã truy tặng ông phẩm hàm và cho lập đền thờ ông ở quê nhà Tư Cung vào năm 1871.

Trải qua những năm tháng chiến tranh, đền thờ Trương Định tại Quảng Ngãi được lập dưới thời nhà Nguyễn đã không còn dấu vết. Năm 2007, để bày tỏ lòng tri ân người anh hùng dân tộc đã hy sinh vì nghĩa lớn, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng đền thờ Trương Định gồm các hạng mục: đền thờ chính, nhà trưng bày, nhà bia ghi công, sân hành lễ, đường nội bộ… Từ khi được xây dựng đến nay, đền thờ Bình Tây đại nguyên soái đã trở thành biểu tượng về truyền thống yêu nước hào hùng của địa phương và là điểm đến để thể hiện lòng tri ân đối với vị anh hùng dân tộc của nhân dân xứ Quảng.

Phạm Tuấn Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.