Lam chiều
Lũ trẻ ở thành phố giờ chắc cũng không biết khói lam chiều. Nhà tôi ở giữa lưng chừng thành phố và ngoại ô. Phía trước là các nhà hàng xóm lúc nào cũng xập xình karaoke 20/7, ra rả suốt tuần, suốt ngày. Còn phía sau là nhà của gia đình người trồng rau và bán rau, họ vẫn “chung thủy” với cái kiềng bếp 3 chân và những ôm củi to chất đống sau nhà. Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ cuối tuần, khi giấc ngủ trưa trễ nãi của ngày nghỉ kéo dài còn ngai ngái, đã thoang thoảng nghe mùi khói bếp quyện trong gió, xen lẫn tiếng chổi khô quét sân gạch xoèn xoẹt của bà cụ nhà bên. Tôi lại gần cửa sổ và nhìn sang nhà hàng xóm, những đụn khói đang tỏa ra từ ô cửa sổ bé tẹo mà đen nhẻm của chái bếp. Tiếng bà ru cho đứa cháu ngủ giấc muộn:
Chiều chiều ông Lử đi câu
Bà Lử bắt cá, con dâu đi mò
Chiều về bà lặt bà kho
Con dâu đứng đó bà cho cái càng…
Tiếng nô đùa của con trẻ, tiếng í ới của các bà mẹ gọi con về tắm rửa, chuẩn bị bữa cơm chiều, một không khí thật quen thuộc và đầy ắp tình gia đình. Chỉ là bên kia bờ rào thôi, khói lam chiều thật thanh bình và ấm cúng. Thế nhưng, nhà tôi bên này rất ít khi có được không khí đó; cuối ngày, thường là khoảng thời gian hối hả nhất của đoạn kết công việc trong một ngày, cũng chợ búa, cơm nước, con cái, nhưng hình như vẫn thiếu đi một cái gì đó rất khó gọi tên, hình như là sự ấm áp. Đúng vậy, đó là giờ mà cả gia đình thường sum vầy, đoàn tụ với nhau, cha mẹ tan giờ làm việc, con cái tan học trở về nhà, nhưng loay hoay mãi hầu như chỉ có mẹ và các con, còn người cha thường xuyên vắng mặt 5/7 vào các buổi chiều tối và có khi đến sáng hôm sau con cái mới gặp mặt. Những cuộc ngoại giao, những thú vui liên hoan, tiệc tùng luôn kéo áo người cha….
Biết bao giờ nhà mình có khói lam chiều….
Trịnh Vĩnh Phú
Ý kiến bạn đọc