Multimedia Đọc Báo in

Náo nức lễ hội đua thuyền ở Ea Hu

09:38, 04/02/2019

Lễ hội đua thuyền truyền thống đã trở thành sự kiện văn hóa quan trọng được những người con xứ Huế đang sinh sống ở xã Ea Hu (huyện Cư Kuin) chờ đón trong những ngày đầu xuân.

Tham gia lễ hội đua thuyền năm nay có 8 thuyền đua của 4 thôn trên địa bàn xã. Mỗi thuyền có 7 vận động viên tranh tài ở 8 giải đấu (buổi sáng diễn ra 4 giải, buổi chiều 4 giải) gồm: 1 giải Cúng, 1 giải Phá và 6 giải Tiền. Trong đó, đội giành được giải Cúng được cho là sẽ mang lại nhiều may mắn, giải Tiền là cơ hội giao lưu, học hỏi cho các đội tham gia và giải Phá thể hiện sức mạnh tập thể của những vận động viên đua thuyền.

Hồ đập thủy lợi 24 ở thôn 1 nơi diễn ra lễ hội đã khoác lên mình diện mạo mới, rực rỡ và lộng lẫy hơn khi ở giữa hồ được Ban tổ chức cắm sẵn 3 cụm tre cao khoảng 5 m so với mặt nước, mỗi cụm cách nhau 300 m, trên thân tre được đánh dấu bằng vải màu giúp các đội xác định đúng làn đua. Trong quá trình thi đấu, thuyền trọng tài luôn theo sát các đội vừa để bảo đảm an toàn, trật tự, vừa phát hiện các đội vi phạm điều lệ. Đội nào về đích đầu tiên mà không vi phạm điều lệ sẽ là đội chiến thắng.

Lễ hội thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ.
Lễ hội thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ.

Để đến được đích, các vận động viên nam phải vượt qua 3 vòng, 6 tráo với tổng chiều dài đường đua khoảng 1.800 m và 2 vòng 4 tráo với tổng độ dài đường đua khoảng 1.200 m dành cho vận động viên nữ. Đặc biệt, trước khi các thuyền xuất phát mỗi đội sẽ chọn ra 1 vận động viên khỏe mạnh, nhanh nhẹn tham gia “chạy mái chèo”. Khi tiếng trống khai cuộc vang lên các vận động viên sẽ đồng loạt xuất phát, chỉ khi nào vận động viên lấy được mái chèo lên thuyền thì đội đó mới được phép xuất phát.  Ông Trần Ngọc Kê ở thôn 2 hồ hởi cho biết: “Mặc dù lễ hội chỉ diễn ra trong một ngày nhưng các đội đua thuyền phải mất cả tháng để chuẩn bị trang phục, bảo dưỡng, trang trí thuyền đua và lựa chọn những người dẻo dai, nhanh nhẹn, có kỹ thuật đua thuyền tốt để tiến hành tập luyện. Đây là niềm vui chung của người dân xã Ea Hu chúng tôi trong dịp Tết đến Xuân về”. 

Nhiều “tuyệt chiêu” chèo thuyền đẹp mắt luôn được “tung” ra thể hiện song điều quan trọng nhất khi chèo thuyền là phải giữ được thăng bằng, nếu người chèo thuyền không khéo léo thuyền rất dễ bị lật hoặc va chạm với các thuyền khác.

Đồng chí Nguyễn Kim May, Chủ tịch UBND xã Ea Hu, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đua thuyền phấn khởi cho biết, tuy còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế nhưng cứ 2 năm một lần vào ngày mùng 6 Tết Âm lịch, chính quyền địa phương đều dành một khoản kinh phí để tổ chức lễ hội đua thuyền. Đây không chỉ là món ăn tinh thần của người dân xứ Huế nơi vùng quê mới  trong những ngày đầu Xuân mà còn là sân chơi bổ ích để người dân rèn luyện sức khỏe, chia sẻ kinh nghiệm và thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.