Nguyễn Bính làm câu đối Tết
Nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) đã có trên dưới 20 bài thơ viết về mùa xuân. Bài thơ nào cũng “dính dáng” đến tình yêu của đôi lứa trong mùa xuân. Nhưng ít người biết Nguyễn Bính còn có tài làm câu đối. Cách đây 85 năm, trên Báo Phong Hóa số tết 1934 có đăng câu đối của Nguyễn Bính như sau:
Tết tung, túng tắng tiền tiêu tết
Xuân xiếc xênh xang xắm xửa xuân.
Vào dịp tết năm 1964, Nguyễn Bính đang công tác ở Ty Văn hóa Nam Hà (Nam Định, Hà Nam). Hồi này miền Bắc đang sống trong thời bao cấp, mọi tiêu chuẩn chế độ lương thực, thực phẩm đều mua theo tem phiếu hằng tháng. Một hôm, nghe nói ở cửa hàng chợ Chủ (gần cơ quan ông sơ tán) có bán đường theo tiêu chuẩn, sợ hết thời hạn, Nguyễn Bính vội vã đạp xe đi mua. Người đông chen lấn, tác giả “Lỡ bước sang ngang” cũng tuân thủ xếp hàng dọc để chờ đến lượt, nào ngờ lúc đến lượt nhà thơ thì cô bán hàng thông báo “Đường đã hết”. Nguyễn Bính đạp xe về tới cơ quan kể lại sự việc, bực thì bực, nhà thơ cũng ra ngay một vế đối:
Đi chợ Chủ, chủ mua đường, đường không mua được chỉ mua đường.
Khỏi phải bình luận, với cách chơi chữ “đường” trong vế đối kia, ai bảo Nguyễn Bính không tài hoa.
Lại nữa, nhà thơ Kim Ngọc Diệu, người cùng công tác ở phòng văn nghệ với Nguyễn Bính, có kể lại: Một lần, Nguyễn Bính cùng mấy người bạn rủ nhau ra quán uống rượu thì gặp trời đổ mưa rào. Nguyễn Bính bực ông trời quá liền đọc to theo kiểu tuồng cổ:
“Trời hỡi Trời! Cái mặt ông xanh, những tưởng nhật diện minh quang để tựu lạc vong bần, lại cứ sụt sùi khiến phải giương ô sao ác thế!”.
Nguyễn Bính ứng khẩu một vế đối vừa dứt, các bạn rượu của ông cực kỳ thán phục. Bởi Nguyễn Bính sử dụng chữ Hán đã thạo, lại dùng kỹ năng, kỹ xảo chữ nghĩa hiểm hóc. Qua câu đối trên, bảy lần Nguyễn Bính nói về ông trời như: Trời hỡi trời, ông xanh, nhật, dương, ô, ác. Cấu trúc, gập ghềnh, uyển chuyển, thể hiện ngôn ngữ tài hoa, hàm xúc. Thế mới biết, thi sĩ đã đa tình, còn đa tài ra vế đối.
Lê Hồng Bảo Uyên (St-bs)
Ý kiến bạn đọc