Multimedia Đọc Báo in

Những món ăn độc đáo từ buôn làng

15:21, 14/02/2019

Tại Đắk Lắk người ta thường nhắc đến món canh cà đắng như là món ăn dân dã mà độc đáo của người Êđê. Thế nhưng còn nhiều món canh khác cũng độc đáo không kém…

Canh lá muồng của người Lào

Chị H’Nhu Knul, một người Lào tại Buôn Đôn cho biết, món canh lá muồng là một món ăn phổ biến và quen thuộc của người Lào tại Buôn Đôn và chị đặc biệt rất thích nấu món canh này, muốn thật nhiều người biết đến món canh lá muồng của người Lào ở Buôn Đôn.

Người Lào ở Buôn Đôn  chuẩn bị mâm cơm.
Người Lào ở Buôn Đôn chuẩn bị mâm cơm.

Nguyên liệu để làm món canh này bao gồm: lá muồng, xương heo, bột gạo, các loại gia vị. Lá muồng chọn lá non nhưng không non quá. Sau khi lấy về thì sơ chế bằng cách luộc qua 2 lần nước, sau đó đem ngâm với nước lạnh, mục đích là để lá muồng hết vị đắng. Sau đó, lấy thịt heo hoặc xương heo rửa sạch, phi hành và rang lên cho thơm, săn, sau đó đổ nước đun cho mềm thịt hoặc xương. Trong thời gian đó thì lấy lá muồng đã ngâm, vớt cho ráo, đem giã với gạo đã ngâm sẵn. Gạo đem giã phải là gạo đã ngâm trước đó từ 2 đến 3 tiếng đã để ráo nước. Giã nhuyễn hỗn hợp lá muồng và bột gạo sẽ được một sản phẩm bột màu xanh mịn. Khi xương đã mềm tới thì đổ nguyên liệu bột đã giã vào nấu khoảng 10 phút sao cho bột nở đều, nhuyễn. Sau đó sẽ nêm các loại gia vị, với món canh này, người Lào chỉ cho một ít muối và nêm thêm mắm Bà Đẹt, một loại mắm đặc sản của người Lào. Nhờ có loại mắm này, món canh có vị ngậy, thơm và béo. Món canh muồng đạt chuẩn là món canh hòa quyện giữa các vị như một chút đắng của lá muồng, cay của ớt, thơm béo của nước xương hầm, mắm… Anh Y Jen Niê, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột sau một lần được nếm thử món canh này đã chia sẻ anh rất thích món canh này, cảm thấy cũng có một chút giống với món canh bột hoặc canh lá mì nấu với bột gạo của người Êđê.

Món canh lá muồng trong bữa cơm (tô ngoài cùng bên phải).
Món canh lá muồng trong bữa cơm (tô ngoài cùng bên phải).

Canh bột của người Êđê

Trong một lần về thăm buôn Tai, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk tham dự lễ cúng ché của nhà Ama, Amí Sem, tôi rất ấn tượng với sự chuẩn bị các món ăn của người dân nơi đây. Có rất nhiều món ăn truyền thống nhưng ấn tượng nhất lại là món canh bột, một món ăn khá phổ biến và dân dã nhưng lại không thể thiếu trong những dịp quan trọng.

Từ sáng sớm, hai chị em H’Ka Niê và H’Na Niê nhà Amí Sem đã nện chày thình thịch giã gạo đã ngâm với lá yao để làm món canh bột, chuẩn bị thức ăn ngon cho buổi lễ cúng ché của gia đình. Đây cũng là công việc mà hai chị em rất thích.

H’Saly Mlô, một phụ nữ trên 40 tuổi, là người bà con của gia đình Ama, Amí Sem, hôm nay cũng đến để giúp nhà Amí Sem nấu món canh bột. Là người đã có nhiều kinh nghiệm nên chị H’Saly là người được tin tưởng để giao việc này, vì buổi lễ hôm nay có cả mấy chục người cùng tham dự nên canh bột được nấu vào nồi to nhất có thể. Đối với người Êđê, món canh bột cũng như món canh cà đắng hay vếch là những món ăn quen thuộc nhưng cũng quan trọng vào những dịp đặc biệt.

Để nấu món canh bột, nguyên liệu chuẩn bị bao gồm: gạo, lá yao, xương heo, lõi chuốn non, mít non, mướp hương. Cách làm như sau: gạo phải được ngâm trước khi giã khoảng 10 phút, sau đó vớt ra cho ráo. Sau đó giã gạo với lá yao (một loại lá hái ở trên rừng), giã thật nhuyễn, thật mịn vì bột càng mịn thì món canh càng ngon. Hầm xương chuẩn bị nước dùng sao cho ngọt, sau đó cho mít non vào trước, khi mít mềm thì bỏ ruột của cây chuối non đã cắt nhỏ vào, khi chuối chín mới bỏ hỗn hợp bột gạo lá yao vào. Sau khi đã bỏ bột vào thì phải bớt lửa đồng thời phải đảo liên tục để bột gạo không bị lắng xuống gây cháy nồi, ảnh hưởng độ ngon của nồi canh. Thời gian bỏ bột vào đến khi chín khoảng 30 phút. Khi gần chín có thể thêm một ít mướp hương vào cho thơm. Sau đó nêm, nếm cho vừa ăn là được.

Chế biến món  canh bột.
Chế biến món canh bột.

Cũng như cà đắng, món canh bột là món ăn truyền thống, mang đặc trưng của người Êđê. So với canh cà đắng và một vài canh khác thì canh bột có đôi chút kỳ công hơn khi chuẩn bị nguyên liệu. Với những dịp lễ, tiệc quan trọng thì món canh bột cũng như cà đắng là món ăn phổ biến nhất được gia chủ làm để thiết đãi khách quý. Món canh bột sau khi chín có mùi thơm của các gia vị hòa quyện, có độ sệt vừa phải và mỗi nguyên liệu trong món canh kết hợp tạo nên một món canh lạ miệng và hấp dẫn. Đối với người Êđê từ trẻ đến già, từ xưa cho đến nay thì đều xem món canh bột là một món ăn quen thuộc và vô cùng đặc biệt, để cho dù họ có đi đâu cũng luôn nhớ về. Anh Y Sem Niê, con trai của Amí Sem cho biết anh rất thích món ăn này vì sự hòa quyện của các gia vị và đi đâu xa cũng chỉ muốn quay về để được ăn món này.

Theo tìm hiểu, món canh bột có thể thay đổi những nguyên liệu tùy theo gia chủ, riêng có 2 nguyên liệu không thay đổi được đó là bột gạo trộn lá yao, còn lại người nấu có thể cho vào các nguyên liệu khác như măng chua hay kiến vàng hoặc các nguyên liệu khác, mỗi lúc thay đổi nguyên liệu thì canh bột lại có những thay đổi thú vị. Những thay đổi này tùy thuộc vào từng vùng khác nhau.

Bài: Thu Hương 

 Ảnh: H’Xíu Hmok


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.