Rộn rã ngày hội ở buôn làng
Hòa chung không khí phấn khởi, nhộn nhịp của những ngày diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, nhiều buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở các phường, xã trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng trở nên rộn ràng, tươi vui khi nhiều nghi lễ, lễ hội được phục dựng, trình diễn.
Những trải nghiệm thú vị
Có mặt tại buổi lễ kết nghĩa chị em ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), chị Cẩm Anh (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) không giấu vẻ hào hứng: “Tuy đã nhiều lần đến TP. Buôn Ma Thuột, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham dự các lễ phục dựng, trình diễn nghi lễ cúng bến nước, lễ kết nghĩa anh em của đồng bào Êđê. Quả thực, tôi cảm thấy rất thú vị và may mắn bởi mình có thể biết thêm những nét văn hóa trong đời sống tinh thần của dân tộc bản địa ở đây. Ấn tượng nhất vẫn là tiếng chiêng ngân vang và có mặt trong mọi nghi lễ, lễ hội chứ không phải là các nhạc cụ hiện đại. Hơn thế nữa, được cùng người dân uống rượu cần, múa hát trong nhà dài càng làm cho chuyến đi này thêm phần ý nghĩa, đáng nhớ”. Được biết, chuyến đi của gia đình chị Kim Anh và nhóm bạn dừng chân ở Buôn Ma Thuột 3 ngày, trong khoảng thời gian này, chị cũng đã tham dự vào một số hoạt động như Lễ hội đường phố, tham quan Đường sách cà phê và một số buổi tái hiện, trình diễn lễ hội, nghi lễ của đồng bào Êđê…
Lớp trẻ hào hứng tham dự Lễ cúng bến nước của buôn. |
Với anh Nguyễn Văn Hoan (du khách đến từ Hà Nội) thì mỗi dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột anh đều tranh thủ thời gian đến tham dự, mà cảm xúc vẫn cứ mới mẻ, vẹn nguyên. Lần này, được chứng kiến lễ kết nghĩa anh em, lễ dựng cây nêu cầu an và lễ cúng bến nước tại 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, anh càng hiểu rõ hơn nét văn hóa đặc trưng của người Êđê, làm giàu thêm hành trang vốn sống trong những chuyến du lịch qua mỗi vùng quê của anh.
Giữ mạch nguồn văn hóa chảy mãi
Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng là mảnh đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lâu đời của các dân tộc, đặc biệt Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khi cuộc sống hiện đại đang dần khiến nét văn hóa truyền thống mờ nhạt thì những buổi trình diễn, tái hiện nghi lễ, lễ hội như thế này thực sự có ý nghĩa để thế hệ sau cảm nhận và gìn giữ bản sắc dân tộc.
Lần đầu tiên tất cả 7 buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ea Kao đồng loạt tổ chức trình diễn Lễ kết nghĩa anh em, từ sáng sớm, người dân các buôn đã tề tựu về Nhà Văn hóa cộng đồng ở buôn để chuẩn bị cho buổi lễ. Niềm vui, hạnh phúc và tự hào hiện rõ trên khuôn mặt từng người bởi không biết bao nhiêu năm rồi buôn mới có ngày hội long trọng như vậy. Già Y Bhiu Byă (buôn Tơng Ju) vui mừng nói, lần đầu buôn tái hiện Lễ kết nghĩa anh em nên người dân rất phấn khởi, bởi mấy chục năm nay nghi lễ này dường như đã bị lãng quên. Bây giờ được phục dựng vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ phong tục, tập quán; đặc biệt đây sẽ là tiền đề để người dân tiếp tục phát huy, nhân rộng để gắn kết cộng đồng.
Đông đảo người dân địa phương và du khách đến tham dự Lễ cúng bến nước ở buôn Ky, phường Thành Nhất. |
Ở buôn Ky (phường Thành Nhất), việc trình diễn Lễ cúng bến nước không chỉ là dịp để quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Êđê đến với du khách trong dịp Lễ hội Cà phê mà hơn thế nữa đây còn là cơ hội để lớp trẻ trở về với truyền thống văn hóa cội nguồn. Em H’Sun Juê H’đơk (buôn Ky) tâm sự rằng, lớn lên giữa cuộc sống hiện đại nên những nghi thức, nghi lễ từ xa xưa của ông bà dường như em không mấy quan tâm, tìm hiểu. Đến khi chứng kiến lễ tái hiện cúng bến nước em mới cảm nhận được giá trị của nét văn hóa này, từ đó, có sự thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức về việc bảo tồn, làm sao để phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
Để góp phần tôn vinh, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng thời thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh nhà, những năm gần đây các ban, ngành và địa phương đã có nhiều hoạt động, chương trình tập trung phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên cơ sở phát huy thế mạnh cảnh quan và bản sắc văn hóa các dân tộc. Và việc trình diễn những nghi lễ, lễ hội truyền thống văn hóa của đồng bào Êđê trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột là một việc làm hay, cần thiết để phát triển tiềm năng du lịch của địa phương cũng như bảo tồn cho thế hệ trẻ mai sau.
Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức trình diễn 21 nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào Êđê tại 21/33 buôn trên địa bàn các xã, phường như: Kết nghĩa anh em, cúng bến nước, cầu mưa, dựng cây nêu cầu an… |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc