Multimedia Đọc Báo in

Khám phá hoa văn trên thổ cẩm Êđê

09:31, 12/05/2019

Thổ cẩm Êđê xưa nay được biết đến là một sản phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện sự sáng tạo cũng như nghệ thuật tạo hình tinh tế của đồng bào Tây Nguyên.

Trang phục của người Êđê thường có hai màu chủ đạo là đen và đỏ, tượng trưng cho màu của đất, của lửa, sự dũng cảm, sức mạnh vươn lên, khát vọng tình yêu của họ. Từ xa xưa, người Êđê thường dùng sợi bông làm nguyên liệu để dệt vải, theo đó bông sau khi kéo sợi sẽ được nhuộm bằng lá, vỏ cây rừng để tạo màu sắc. Chẳng hạn, muốn có sợi màu vàng thì dùng củ nghệ già, mài nhỏ hoặc cho vào cối giã rồi vắt nước nhuộm, còn muốn có sợi màu xanh chàm thì dùng vỏ của cây chàm… Khi đã có những sợi chỉ màu ưng ý, công đoạn tiếp theo là tạo hình hoa văn trên mỗi tấm thổ cẩm.

Theo bà H’Yam Bkrông, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), hoa văn trên thổ cẩm của người Êđê phản ánh thế giới tự nhiên của con người. Vậy nên, những họa tiết thường được chọn để dệt là những thứ gần gũi với cuộc sống như: chim muông, hoa lá, cây cối (cây dương xỉ, rau dớn, quả trám); con vật (con bướm, con rùa, thằn lằn…); đồ vật (cối giã gạo…); sinh hoạt nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng (móc xích treo nhạc cụ, dây treo chiêng, cột nhà mồ…) với mong ước cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, nương rẫy, núi rừng. Từ xưa đến nay, nghề dệt thổ cẩm được truyền lại theo hình thức truyền miệng, vừa làm vừa học mà không sách vở nào ghi chép lại một cách chi tiết và chính xác các công thức cũng như việc tạo hình hoa văn. Bởi vậy, hoa văn trên mỗi tấm thổ cẩm thể hiện sự khéo léo, tinh xảo cũng như sự sáng tạo, trình độ thẩm mỹ và cái tâm mà người dệt đặt vào nó.

Các xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thổ cẩm Ea Tul (xã Ea Tul, huyện Cư M'gar) đang dệt thổ cẩm.
Các xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thổ cẩm Ea Tul (xã Ea Tul, huyện Cư M'gar) đang dệt thổ cẩm.

Để tạo hoa văn, đòi hỏi người dệt phải nắm bắt ý đồ từ khi xếp sợi để phối màu sắc.Trước khi dệt, người dệt phải thiết kế bố cục, kích cỡ họa tiết trong đầu để trong khi dệt sẽ nhặt sợi, tạo hình tạo nên những hoa văn trên nền tấm vải sao cho hài hòa, đẹp mắt. Và quan trọng là sự điều khiển của đôi chân và đôi tay sao cho nhuần nhuyễn. Mỗi loại hoa văn lại có số sợi dọc, sợi ngang, kỹ thuật nâng - hạ sợi hoàn toàn khác nhau, bởi vậy người dệt phải hết sức tinh tế, khéo léo và cẩn thận để tạo hình được những họa tiết, hoa văn theo ý muốn. Các chuỗi hoa văn khi dệt sẽ được cách điệu dưới dạng hình học (hình tam giác, hình mũi tên, hình thoi...) nối tiếp nhau, chạy dài liên tục suốt chiều dài vải tạo nên sự khỏe khoắn. Bên cạnh đó, sự phối màu trong khi xếp sợi như: đỏ - đen, đen - vàng, đỏ - chàm sẫm… khiến hoa văn tạo nên hiệu ứng sinh động, tạo điểm nhấn của trang phục.

Tùy vào mỗi loại trang phục sẽ có cách sắp xếp và trang trí hoa văn khác nhau. Chẳng hạn ở áo, hoa văn sẽ được trang trí trên các phần như: nách áo, gấu áo, vai, cổ và tay áo. Rồi áo của nam giới thì đối với áo mặc thường ngày sẽ trang trí ít hoa văn, còn áo dành cho các lễ hội thì hai mảng trước ngực có dải hoa văn màu đỏ hình cánh chim đại bàng, tượng trưng cho khí phách và khát vọng chinh phục thiên nhiên của người Êđê. Đối với váy của phụ nữ thì phần gấu và phần ngang thân váy được trang trí chỉ màu, hoa văn, tùy vào mục đích sử dụng như: mặc ở nhà hoặc lên nương rẫy thì không có hoa văn hoặc hoa văn dệt đơn giản, còn váy dành cho những ngày hội, lễ, tết thì được trang trí công phu, nhiều hoa văn chạy ngang thân váy với màu sắc sặc sỡ…

Khách hàng xem các sản phẩm thổ cẩm của Hợp tác xã Dệt Tơng Bông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao,  TP. Buôn Ma Thuột).
Khách hàng xem các sản phẩm thổ cẩm của Hợp tác xã Dệt Tơng Bông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).

Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, sợi chỉ để dệt thổ cẩm hầu hết là sợi chỉ công nghiệp, tuy vậy trang trí hoa văn, màu sắc vẫn được làm theo lối truyền thống. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường, từ những họa tiết, hoa văn truyền thống, phụ nữ Êđê còn cách điệu, sáng tạo trong khi dệt như: thêm sợi, thêm hình, phối màu để tạo được nhiều hoa văn độc đáo và làm tấm thổ cẩm trở nên sặc sỡ hơn.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc