Multimedia Đọc Báo in

Vãn cảnh Phù Dung cổ tự

08:14, 18/05/2019

Phù Dung là ngôi chùa tọa lạc tại chân núi Bình San, phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.                                                                     

Theo một vài tư liệu nghiên cứu về Hà Tiên diễn giải, người Xiêm, Khmer, Lào gọi núi là “Pù”, gọi người Việt là “Youn”. Như vậy, “Pù Youn”  mà sau này đọc trại thành Phù Dung, có nghĩa là “vùng núi của người Việt”. Vùng đồi núi ở bán đảo Hà Tiên trước thời đô đốc Tổng binh Mạc Thiên Tích có tên chung là “Phù Dung Vạn Sơn”; sau đến thời họ Mạc khai mở đất Hà Tiên, các ngọn núi mới có tên riêng bằng từ Hán - Việt, như: Bình San, Tô Châu, Thạch Động... Trịnh Hoài Đức đã chép trong “Gia Định thành thông chí” mục “Sơn Xuyên chí” vào khoảng năm 1820: “Núi Phù Dung: cách trấn thự về phía tây bắc hơn một dặm. Ở đây hang hố xanh rậm lâu đời; chùa Phù Dung ở phía tây nam chân núi, tiếng chuông mõ pha trộn, tiếng kệ kinh lẫn tiếng ồn ào của phố thị”...

Phù Dung cổ tự.
Phù Dung cổ tự.

Trải qua thời gian và những thăng trầm, biến đổi, hiện nay trên nền đất phía đông chân núi Bình San vẫn tồn tại ngôi chùa nhỏ mang tên “Phù Dung cổ tự”. Trước sân chùa là một đài cao trên có pho tượng Phật Quan Thế Âm cao chừng 4 m bằng xi măng, sơn trắng. Kế đến là chính điện được bài trí trang nghiêm: chính giữa là tượng Thích ca Mâu ni, hai bên là hai đại đệ tử Anan và Ca diếp. Ở đây còn có 4 bức phù điêu lớn (mỗi tấm cao 1,3 m, ngang 2,3 m) minh họa 4 cảnh đức Phật đản sanh, xuất gia, thuyết pháp và nhập niết bàn. Sau lưng ngôi chính điện, qua một khoảng sân nhỏ, du khách sẽ gặp một tòa lầu gác cao hai tầng có tên gọi “Ngọc Hoàng bửu điện”, nơi đây thờ Ngọc Hoàng thượng đế cùng hai vị Nam Tào và Bắc Đẩu.

Phía bên trái chùa Phù Dung  có một lối nhỏ men theo triền núi. Đi khoảng 20 m sẽ gặp một ngôi mộ cổ nằm tựa lưng vào vách núi giữa rừng cây cao vút, mát mẻ, u tịch. Trên bia mộ có nhiều dòng chữ Hán. Bên cạnh mộ, có một tấm bia đá khắc chữ Việt ghi: Lăng bà Phù Dung - Từ Thành Thục Nhơn - Nguyễn Thị Xuân (1720-1761) - viên tịch rằm tháng 2 Âl - Hiệu Phù Cừ. Theo truyền thuyết, bà Phù Dung là thiếp (vợ lẽ) của Mạc Thiên Tích.

Theo chuyện kể được truyền tụng, ngôi chùa do Đô đốc Mạc Thiên Tích (1706 - 1780) xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18 cho nàng thứ cơ tên Phù Cừ làm nơi tu hành. Tương truyền thứ cơ Phù Cừ tên thật là Nguyễn Thị Xuân, thứ nữ của một di thần nhà Lê tên Nguyễn Đình. Khi nhà Mạc lên thay nhà Lê, Nguyễn Đình cùng hai con vào cư ngụ tại Hà Tiên. Con trai tên Nguyễn Đính, giỏi kiếm thuật, ra giúp họ Mạc; còn em gái giỏi thơ văn gá nghĩa cùng Mạc Thiên Tích sau cuộc gặp gỡ tại tao đàn Chiêu Anh Các.

Thi sĩ Đông Hồ từng kể chi tiết chuyện tình Phù Dung tự như sau: “Cảnh am tự này, ngôi mộ cổ này, ao sen này có một sự tích khá lâm ly… Truyền rằng: Mạc Lịnh Công có một bà thứ cơ tên là bà Dì Tự. Thứ cơ sắc đẹp lắm và hay chữ lắm. Mạc Lịnh Công, vì mê sắc đẹp, yêu tài thơ, đã từ chỗ sủng ái mà ra thiên ái. Hóa cho nên khiến bà chính thất Nguyễn phu nhân ghen giận, lập mưu hãm hại bà thứ cơ. Một hôm, nhân Mạc Lịnh Công đi duyệt binh vắng, ở nhà Nguyễn phu nhân đem nhốt thứ cơ vào lòng một cái chậu úp, cho ngột mà chết. Nhưng thừa ưa vừa lúc đó, trời bỗng đổ trận mưa to. Mạc Công cũng vừa về đến, thấy trời đang mưa, mà lạ sao chậu to không ngửa lên hứng nước mà lại để úp. Công bèn truyền lịnh giở chậu ra, thì nàng ái cơ đang thoi thóp sắp đứt hơi, nhưng may mắn thay, hãy còn cứu kịp. Nàng thứ cơ thoát chết, trở nên chán chường sự thế, xin Mạc Công cho nàng đi tu. Trước sự tình éo le đó, Mạc Công không biết làm sao khác, cũng đành chiều ý, cất một ngôi am tự cho thứ cơ tu hành. Bên am tự, cho đào ao, trồng hoa sen trắng, để kỷ niệm mối tình xưa. Cho đến khi thứ cơ mất, Công cho xây ngôi mộ kiên cố đẹp đẽ để tỏ lòng tưởng nhớ yêu thương người giai nhân đã vì Công mà oan khổ...”.

Vãn cảnh Phù Dung cổ tự, nghe kể lại câu chuyện tình lãng mạn và cảm động, tìm lại dấu xưa của đất Hà Tiên là chuyến du hành thú vị và bổ ích…

Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.