Huyện Cư M'gar: "Nóng" tình trạng buôn bán nhà dài truyền thống
Trong thời gian gần đây, tình trạng buôn bán nhà dài truyền thống của đồng bào Êđê diễn ra khá phổ biến trên địa bàn huyện Cư M’gar, khiến những ngôi nhà dài ở các buôn làng có nguy cơ biến mất.
Buôn Ea M’droh (xã Ea M’droh) là buôn căn cứ cách mạng của huyện Cư M’gar. Năm 1994, Tiểu đoàn 303 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cùng với huyện đã đầu tư xây dựng 66 ngôi nhà dài truyền thống tặng đồng bào trong buôn, thay thế những ngôi nhà của đồng bào bị đốt cháy do chiến tranh. Những ngôi nhà dài được xây dựng giống nhau, thẳng đều dọc theo hai bên trục đường chính của buôn, trông rất ấn tượng.
Tuy nhiên, gần đây nhiều ngôi nhà dài trong buôn đã bị người dân bán đi và thay thế vào đó là những ngôi nhà trệt. Ngôi nhà dài của anh Y Tu Li Ksơr suýt đã bị bán đi nếu địa phương không phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Anh Y Tu Li phân trần: Ngôi nhà dài này gia đình anh không sử dụng gần 7 năm nay vì đã xuống cấp nghiêm trọng. Do hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để sửa chữa lại, vì vậy khi có người trả giá 40 triệu đồng, gia đình anh đã đồng ý bán. Tuy nhiên, chính quyền địa phương biết chuyện đã khuyên ngăn không nên bán.
Những ngôi nhà dài truyền thống ở buôn Ea M'droh. |
Hiện trong tổng số 66 ngôi nhà dài ở buôn Ea M’droh thì đã có 4 ngôi nhà bị bán đi, 3 ngôi nhà đã bị đổ sập và được bà con dựng lại theo kiểu nhà dài cách tân. Phần lớn những ngôi nhà dài trong buôn đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng song do hoàn cảnh khó khăn nên bà con không có điều kiện sửa chữa; nhiều gia đình sẵn sàng bán đi những ngôi nhà dài truyền thống đã gắn bó với mình suốt 25 năm qua.
Ông Trần Viết Lai, Chủ tịch UBND xã Ea M'droh cho biết: “Trước tình trạng này, xã đã phối hợp với Ban tự quản, Chi bộ buôn tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức trong việc giữ gìn những ngôi nhà dài truyền thống; Đồng thời, địa phương còn thông tin thêm cho bà con về định hướng của tỉnh và của huyện sẽ xây dựng buôn Ea M’droh trở thành buôn du lịch văn hóa cộng đồng trong trong thời gian tới nên phải bảo tồn nét đẹp đặc trưng của những ngôi nhà dài. Đối với những ngôi nhà dài đã bị hư hỏng, xuống cấp, địa phương đã làm tờ trình đề nghị cấp trên bố trí kinh phí hỗ trợ cho bà con sửa chữa lại”.
Tình trạng bán nhà dài truyền thống không chỉ xảy ra ở buôn Ea M’droh mà còn xảy ra ở nhiều buôn đồng bào Êđê khác trên địa bàn huyện Cư M’gar. Trong khi đó, việc vận động người dân giữ gìn, bảo tồn những ngôi nhà dài gặp rất nhiều khó khăn. Ông Y Mang, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư M’gar chia sẻ: “Việc buôn bán nhà dài hiện đang diễn ra khá phổ biến và là thách thức lớn đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê. Bởi các ngôi nhà dài là tài sản riêng của hộ gia đình nên họ có quyền quyết định việc mua, bán, cho tặng nên các cấp ngành không thể can thiệp được. Chúng tôi chỉ có thể tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao nhận thức trong việc tự gìn giữ, bảo tồn ngôi nhà dài truyền thống của dân tộc mình”.
H’Xiu Êban
Ý kiến bạn đọc