Multimedia Đọc Báo in

Di sản batik ở xứ sở vạn đảo

15:24, 23/11/2019

Indonesia là một quần đảo với khoảng 17.508 hòn đảo nên được mệnh danh là "Xứ sở vạn đảo"; dân số hơn 260 triệu người (năm 2019), đứng thứ tư thế giới và thứ ba châu Á.

Đất nước Indonesia có văn hóa vô cùng đa dạng, là vương quốc của vải batik được đánh giá là sản phẩm dệt tinh tế nhất, đẹp nhất, không có nơi nào sánh nổi. Đất nước vạn đảo này còn giữ được truyền thống làm batik cổ như ở các vùng Toraja, Flores, Halmahera, Papua, đặc biệt là ở khu ngoại ô Tuban, phía đông Java.

Với sắc màu, hoa văn đa dạng, vải batik từ lâu đã được chọn làm trang phục truyền thống, tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy, sang trọng cho phái đẹp. Từ mảnh vải cotton dệt tay trắng nguyên sơ, thợ thủ công và những nhà thiết kế dùng bút chì vẽ mẫu hoa văn lên vải; sau đó họ vẽ và phủ sáp ong lên các hình mẫu, rồi nhúng trong thùng đựng dung dịch thuốc nhuộm đun sôi. Nước nóng lên sẽ làm cho sáp tan ra, phần vải được phủ sáp ong vẫn còn trắng, chỉ có các phần vải không được phủ sáp mới nhuốm màu và bắt đầu hiện hình hoa văn. Công đoạn quan trọng nhất là vẽ sáp ong. Người ta dùng một công cụ nhỏ bằng đồng chứa sáp ong nóng có vòi thon và dài gọi là “canting” vẽ và phủ sáp ong lên các hình vẽ hay những mảng chưa cần được nhuộm màu của tấm vải. Tấm vải được mang phơi khô, kiểm tra chất lượng kỹ thuật màu sắc, hoa văn sau lần nhuộm ban đầu. Sau vài quy trình lặp đi lặp lại: vẽ - phủ sáp và nhuộm màu sẽ cho ra sản phẩm hoàn thiện, ưng ý.

Vẽ sáp ong trên vải để tạo hoa văn batik.
Vẽ sáp ong trên vải để tạo hoa văn batik.

Nhiều mẫu vải batik có kích thước khác nhau dùng để may áo, váy, tấm choàng, khăn quàng, khăn, thắt lưng… Trên các sản phẩm đó luôn được bố trí nhiều hoa văn chim như phượng, công, hạc… và hoa lá ở trung tâm, đường viền. Người dân ở xứ sở vạn đảo gắn bó thiết thân với mặt hàng vải vóc do họ làm ra; vải batik được chọn làm trang phục cho mọi tầng lớp. Học sinh đến trường cũng sử dụng đồng phục batik, nhân viên, công chức, công nhân ở các cơ quan, xí nghiệp, công sở đều có đồng phục riêng từ sản phẩm batik. Một số tấm vải dành riêng cho việc trang trí nhà cửa, làm khăn choàng phủ lên đôi vợ chồng trong lễ cưới. Trước kia, những người vợ của tầng lớp cao quý như chủ đất, người có chức sắc thì mặc những loại trang phục batik cao cấp.

Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, xứ sở vạn đảo Indonesia còn hấp dẫn du khách vì luôn trân trọng, giữ gìn bản sắc truyền thống. Nghề đang thịnh hành là nghề may mặc, thiết kế thời trang. Sản phẩm cho du lịch Indonesia không chỉ là làng nghề dệt vải, tấm vải batik, ikat mà còn có nhiều chương trình biểu diễn thời trang đặc sắc. Trong các sự kiện lớn luôn có màn trình diễn sắc màu dân tộc. Người mẫu thời trang chuyên nghiệp trình diễn những bộ trang phục truyền thống, trang phục cách tân theo hướng thẩm mỹ hiện đại. Các nghệ nhân, diễn viên quần chúng thuộc các sắc tộc thiểu số ở các hòn đảo xa xôi cũng thường được mời đến tham gia các sự kiện lễ hội quan trọng. Họ mặc những bộ trang phục vỏ cây, lông thú, tấm thổ cẩm dệt bằng tay đầy ắp sắc màu, đeo trang sức lông chim, nanh thú, trên mặt, bắp chân, cổ tay vẽ những hoa văn kỳ thú, bí ẩn...

Vải batik  lung linh  sắc màu  trên sân khấu trình diễn  nghệ thuật truyền thống.
Vải batik lung linh sắc màu trên sân khấu trình diễn nghệ thuật truyền thống.

Đất nước giàu có di sản này còn xây dựng, hình thành những bảo tàng nổi tiếng, trong đó có khá nhiều bảo tàng chuyên đề dệt may như Bảo tàng Jakarta Textile, Bảo tàng Ulen Sentalu Batik Textile... Bảo tàng Dệt may Jakarta ở thủ đô là bảo tàng chuyên đề tầm cỡ trên thế giới thu hút đông đảo khách tham quan.

Bảo tàng Dệt may Ulen Sentalu Batik Textile ở đảo Java được xây dựng trong một cánh rừng nguyên sinh với các gian phòng nhỏ hẹp, theo tuyến dọc và ngõ ngách zích zắc nằm ngầm hẳn dưới mặt đất hoặc nửa ngầm giống như địa đạo. Hình ảnh, hiện vật được bố trí đều hai bên. Cuối mỗi gian phòng có lối ra thông lên mặt đất. Lên khỏi mặt đất thì có cửa vào những gian phòng trưng bày khác, tiếp nối, liên hoàn với nhau. Nơi đây lưu giữ, trưng bày những bức ảnh, hiện vật quý như những tấm vải batik cổ, khuôn in sáp ong, bút vẽ, trang phục batik qua các thời đại, hình ảnh các vị vua, quan, hoàng hậu, công chúa, quý tộc, người bình dân với trang phục, phục sức đương thời... Điều khiến mọi người thán phục là Bảo tàng Dệt may Ulen Sentalu Batik Textile xây dựng với diện tích 5 - 6 ha trong rừng nhưng không có cây rừng nguyên sinh nào bị chặt phá, những mảng bê tông khiêm tốn được phối hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Đá đen nham thạch núi lửa là vật liệu chính để xây dựng những bức tường kiến cố dưới mặt đất cũng là để tạo dấu ấn di sản thiên nhiên – Indonesia là vùng đất kỳ quan với nhiều ngọn núi lửa đang còn hoạt động.

Batik là sản phẩm dệt có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật dệt và hội họa. Một số sản phẩm đạt chất lượng nghệ thuật tinh xảo, có giá trị thẩm mỹ cao. Với vẻ đẹp độc nhất vô nhị, những sắc phục được tạo ra từ sản phẩm batik chính là tinh hoa di sản thời trang của xứ sở vạn đảo. Batik đã trở thành biểu tượng văn hóa của Indonesia. Năm 2009, kỹ thuật nhuộm truyền thống batik đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.