Multimedia Đọc Báo in

Khám phá phế tích Champa An Phú

14:38, 18/07/2020

Phế tích Champa An Phú (còn gọi là Tháp Lạn) hiện nay nằm trong khuôn viên Trung tâm Huấn luyện Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam thuộc xóm An Phú, thôn An Thiện, xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Phế tích này cách Di tích Quốc gia Khu tháp Champa Chiên Đàn khoảng 700 m về phía bắc trên cùng một trục bắc - nam gần như thẳng hàng.

Phế tích Champa An Phú.
Phế tích Champa An Phú.

Xóm An Phú là một khu vực khá rộng, dân cư đông đúc, ruộng đồng bao bọc xung quanh. Từ xa xưa khi những cư dân Việt đầu tiên đến sinh sống tại vùng này chỉ thấy một gò cao lẫn gạch nằm giữa vùng đất trống, vì thế đã đặt tên là gò Tháp Lạn và tên Tháp Lạn xuất phát từ đây. Người dân địa phương cho biết, thỉnh thoảng họ bắt gặp một số mảnh ngói vỡ rất lạ không giống như ngói âm dương người Việt vẫn dùng để lợp nhà.

Năm 2003, khu phế tích này được ngành văn hóa Quảng Nam tiến hành khai quật khảo cổ học và những thông tin về kiến trúc, niên đại và chức năng của khu phế tích này dần được hé mở.

Về kiến trúc, phế tích An Phú là một kiểu thức nhà dài, gần giống các mandapa (khu Tiền đình) ở cụm tháp Chăm Mỹ Sơn, bình đồ ngôi nhà hình chữ nhật, chiều dài 29,6 m, rộng 9,8 m có cửa ra vào ở hai đầu hồi. Phần hai đầu hồi được thu hẹp vào thành tiền sảnh. Tiền sảnh phía bắc dài 5,9 m, đất sụp đổ gần như toàn bộ chỉ còn dấu vết móng và một đoạn vách phía đông dài 1,6 m, một đoạn phía bắc dài 1,37 m, cao khoảng 60 - 70 cm. Quá trình khai quật cũng đã phát lộ một số hiện vật bằng sa thạch và đất nung như: thanh lanh tô, ngạch cửa, trụ đá, những trang trí góc được chạm trổ hoa văn hình cây lá cách điệu, ngói hình mũi tên, ngói hình sừng bò...

Tại đây còn tìm thấy dấu vết của gỗ/tre có thể người Chăm xưa đã dùng gỗ (hoặc tre) để làm bộ sườn mái nhưng do vùng đất này nhiều mối cùng với việc bị vùi lấp qua hàng trăm năm nên ngày nay gỗ, tre hầu như không còn nguyên vẹn.

Kiến trúc và trang trí còn lại của phế tích Champa An Phú.
Kiến trúc và trang trí còn lại của phế tích Champa An Phú.

Móng tháp được xây rộng hơn tường tháp 88 cm, dày 60 cm: dưới cùng là hai lớp gạch, kế tiếp ở trên là hỗn hợp gồm đá cuội, sỏi, cát và chất kết dính bọc quanh chân móng. Phần tường và chân tường được chạm khắc khá công phu; quanh chân tường từ dưới chân lên đến độ cao 1,27 m được chạm trổ những đường gờ dạng tầng sen cách điệu tương tự như trang trí trên đài thờ Vũ công Trà Kiệu. Từ độ cao 1,27 m đến 2 m quanh tường có chạm trổ những mảng trang trí hình lá đề xen kẽ với những tầng sen cách điệu, bên trong lá đề là hoa văn thảo mộc cách điệu, đầu mút của lá tẻ ra và hai bên uốn cong giống như hình nấm linh chi.

Qua nghiên cứu về kiến trúc cũng như những hiện vật tìm thấy, các nhà khảo cổ học cho rằng phế tích Chăm An Phú có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ thứ 10 và đây là loại hình kiến trúc còn lại không nhiều trong di sản văn hóa Champa, trừ hai mandapa ở Mỹ Sơn thì hầu hết loại công trình kiến trúc này đã bị sụp đổ.

An Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.