Multimedia Đọc Báo in

Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa lần thứ 25 - Thêm một mùa hoa nở

15:52, 21/08/2020

Tính đến năm 2020, Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa (huyện Cư M’gar) đã trải qua 25 mùa gieo hạt, vun xới và gặt hái những mầm non thơ văn.

Làm mới cho trại

Tham gia Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa huyện Cư M’gar lần thứ 25 có hơn 30 em là những học sinh đến từ các trường THCS và THPT trên địa bàn huyện. Trại sáng tác không giới hạn ở các em là học sinh giỏi môn văn, mà còn có cả những em có năng khiếu về thơ, văn nên đây là lần có nhiều trại viên mới nhất tham gia. Vì vậy, sự đa dạng về lứa tuổi, kinh nghiệm... đã mang lại cho trại sáng tác những màu sắc mới.

Nhà văn Nguyễn Liên cùng các  trại viên  tham gia  Trại sáng tác thơ văn  Núi Hoa  năm 2020.
Nhà văn Nguyễn Liên cùng các trại viên tham gia Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa năm 2020.

Theo Ban tổ chức, đây cũng là năm đầu tiên có một giáo viên chủ nhiệm lớp là thầy Lê Thành Văn (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh), giúp các em ổn định hoạt động học tập, đồng thời hỗ trợ chỉnh sửa tác phẩm cho các em khi đã sáng tác xong. Chính vì vậy, trong quá trình tham gia, bắt đầu từ ngày thứ hai đã có nhiều trại viên sáng tác và gửi tác phẩm cho thầy chủ nhiệm.

Bên cạnh đó, dù trại sáng tác lần này được tổ chức ngắn gọn hơn, nhưng với sự hỗ trợ từ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, các trại viên vẫn được truyền đạt những kiến thức cơ bản như: kinh nghiệm viết bút ký, tìm hiểu văn hóa dân gian của người Êđê trên địa bàn huyện Cư M'gar; kinh nghiệm viết văn xuôi, các thể loại thơ… Đặc biệt hơn là các em được đi thực tế ở các điểm như: Di tích lịch sử đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột; Bảo tàng tỉnh... để tìm cảm hứng và chất liệu sáng tác. Em Dương Tấn Hùng (lớp 8A3 Trường THCS Nguyễn Tất Thành, huyện Cư M’gar) tâm sự: “Đến đây tham quan, em và các bạn được giới thiệu về lịch sử, địa lý, nét văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Những trải nghiệm thực tế với nhiều thông tin bổ ích, sự xúc động về tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng trong ngục tù… đã giúp em và các trại viên có thêm cảm hứng để sáng tác".

Nhờ vậy, đọng lại và thu về sau đợt tổ chức trại sáng tác là những tác phẩm phản ánh cuộc sống muôn màu dưới góc nhìn mộc mạc, giản dị, nhưng không kém phần độc đáo của lứa tuổi thanh thiếu nhi. Nhiều tác phẩm có những phát hiện tinh tế, thể hiện sự quan sát và cảm nhận của các em, có thể thấy qua bài thơ: “Rạng sáng” của tác giả Lê Thị Thùy Trang, tản văn “Thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột” của tác giả Trần Thị Minh Thư, hay nỗi trăn trở khi thấy những khu rừng đang mất dần qua bài thơ “Bóng rừng” của tác giả H’La Gi…

Sự nối tiếp của các thế hệ

Có thể nói, trong khi nhiều trại sáng tác dành cho thiếu khi trên địa bàn tỉnh không thể duy trì vì nhiều lý do, thì việc Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa vẫn tiếp tục được tổ chức đều đặn hằng năm là một sự cố gắng đáng ghi nhận. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo huyện Cư M’gar cũng như sự tâm huyết của những người thực hiện. Những năm qua, các trại viên của Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa và các thành viên Câu lạc bộ thơ văn Núi Hoa cũng là những tác giả trẻ đã có nhiều sáng tác được đăng trên tạp chí Chư Yang Sin.

Trong bối cảnh thiếu hụt lực lượng sáng tác văn học trẻ, Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa diễn ra hằng năm không đơn thuần là nơi để các trại sinh giao lưu, thể hiện năng khiếu thơ văn mà còn là dịp để các đơn vị và cá nhân tâm huyết đi tìm kiếm, ươm mầm đội ngũ kế thừa cho văn chương Ðắk Lắk.

Trong sự thành công đó có sự nối tiếp của các thế hệ trẻ với nhiều tác phẩm đạt chất lượng. Em Nguyễn Thị Cẩm Giang - trại viên đã có 6 năm liên tiếp gắn bó với trại sáng tác chia sẻ: Qua mỗi một lần tham dự em lại được học hỏi thêm nhiều kiến thức nâng cao về văn học; được thầy, cô hướng dẫn trao đổi về kinh nghiệm sáng tác để có thể hoàn thiện tác phẩm. Không những vậy, từ trại sáng tác em và các bạn còn được học hỏi thêm nhiều kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử và khả năng nói trước đám đông, qua đó trở nên mạnh dạn, tự tin hơn. Cẩm Giang cũng đã có tác phẩm “Xin cô tha lỗi cho chúng em” được đăng trên tạp chí Chư Yang Sin và em đang cố gắng hoàn thiện 2 tác phẩm mới là “Thy” và “Dã quỳ trước bão” để ra mắt độc giả. Câu chuyện của Giang giúp những trại viên lần đầu tham gia cảm thấy có động lực, nhanh chóng hòa nhập, học hỏi và sáng tác văn, thơ.

Tham gia giảng dạy Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa từ năm 2002, nhà văn Nguyễn Liên không giấu niềm hạnh phúc khi chứng kiến bước trưởng thành của những thế hệ học trò. Anh mong ước địa phương nào cũng tổ chức được trại sáng tác hè cho các em thiếu nhi, không chỉ khơi gợi cho các em niềm đam mê sáng tác mà còn tạo một sân chơi vui vẻ, giúp các em trưởng thành hơn. Không chỉ nhà văn mà những ai quan tâm đến trại sáng tác đều mong hoạt động bổ ích và ý nghĩa này sẽ tiếp tục được duy trì để những mầm xanh văn thơ được ươm mầm, nuôi dưỡng và nở những đóa hoa thơm.

Mai Sao

 

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.