Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo nghi lễ vòng đời của dân tộc M'nông

08:42, 23/01/2021

Người M’nông sinh sống lâu đời ở Tây Nguyên có bản sắc văn hóa độc đáo. Trong đó, nghi lễ vòng đời là hệ thống nghi lễ chính của người M’nông (huyện Lắk), phản ánh khá rõ nét bản sắc văn hóa tộc người, có vai trò quan trọng trong đời sống mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Nghi lễ vòng đời là thành tố quan trọng cấu thành bản sắc văn hóa của người M’nông. Các giá trị văn hóa trong nghi lễ vòng đời phản ánh quan hệ đa chiều của con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội; đồng thời phản ánh trí tuệ, kinh nghiệm, sức sống, sức sáng tạo của cư dân M’nông trong tiến trình lịch sử. Điều này lý giải cho vai trò và sự chi phối của các nghi lễ vòng đời đến cuộc sống của mỗi thành viên trong cộng đồng. Biểu hiện sự chi phối đó là những nghi lễ: lễ cúng khi có thai, lễ thổi tai, lễ cưới, lễ mừng sức khỏe, lễ tang ma… nhằm cầu mong may mắn, bình yên, mạnh khỏe.

Thầy cúng Y Tiêng Jie (buôn Jiê Yúk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) thực hiện nghi thức cúng sức khỏe cho vợ chồng chủ nhà. Ảnh: Hữu Hùng
Thầy cúng Y Krai Cil ở buôn Jiê Yúk (xã Đắk Phơi) thực hiện nghi thức cúng sức khỏe cho vợ chồng chủ nhà ông Y Tiêng Jie. 

Nghi lễ vòng đời người của người M'nông không chỉ bắt đầu từ khi con người được sinh ra mà từ lúc thai nhi được hình thành. Theo quan niệm của người M’nông, thời gian mang thai rất quan trọng, chứa đựng cả niềm vui và cả những lo âu về sự trọn vẹn của quá trình sinh nở. Cũng như dân tộc Êđê, Cơ Ho, Gia Rai..., người M’nông ở Lắk có những nghi lễ kiêng cữ để tránh mọi điều xui rủi cho thai phụ và thai nhi. Thai phụ kiêng ăn thịt khỉ, vượn, rùa vì sợ con sinh ra sẽ nghịch ngợm như khỉ, vượn; chậm chạp như rùa, hay kiêng ăn các loại cây dây leo vì sợ đẻ khó. Trong gia đình, giai đoạn này không được làm nhà vì lo lắng sẽ gây khó khăn cho sản phụ lúc sinh. Khi đứa trẻ ra đời, kiêng không tiếp khách lạ, không đến nhà người chết, không lên rừng chặt cây, không đi làm rẫy... nhằm đem lại những điều tốt đẹp nhất cho đứa trẻ.

Bà H’Loan Bdap, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lắk cho biết, từ lúc được sinh ra đến tuổi trưởng thành (khoảng 16 tuổi) đứa trẻ được tổ chức nhiều lễ cúng như: lễ chôn nhau cắt rốn; lễ mở mắt cho con; lễ đặt tên (7 ngày sau sinh); lễ thổi tai (từ 6 -12 tuổi); lễ cà răng căng tai (lễ này thường tách ra làm lễ cà răng trước, sau đó đến khoảng 16 tuổi làm lễ căng tai). Riêng người M’nông ở Đắk Lắk và Đắk Nông lại tổ chức lễ xỏ tai trong khoảng thời gian đứa trẻ được 3 - 4 tuổi. Trước đó, liên quan đến mang thai có lễ cúng khi có thai và cúng thần bảo vệ thai nhi trong bụng mẹ. Để được công nhận là một thành viên của cộng đồng, đứa trẻ phải trải qua lễ trưởng thành, thường được tổ chức trong giai đoạn từ 16 - 20 tuổi, sau nghi lễ này mới có thể lập gia đình.

Con cháu tổ chức lễ cúng sức khỏe cho vợ chồng ông Y Krai Cil ở buôn Jiê Yúk (xã Đắk Phơi). Ảnh: H. Hùng  
Con cháu tổ chức lễ cúng sức khỏe cho vợ chồng ông Y Tiêng Jie. 
Nghi lễ vòng đời người của dân tộc M’nông đang được lưu giữ, bảo tồn ở các xã, thị trấn thuộc huyện Lắk; đặc biệt, phổ biến tại buôn làng của nhóm người M’nông Gar. Nghi lễ vòng đời của dân tộc M'nông ở huyện Lắk là một trong 3 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa tỉnh được UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào cuối tháng 12-2020.

Trước đây, nam, nữ thanh niên M’nông ở huyện Lắk kết hôn sớm, nếu ngoài 20 tuổi mà chưa lập gia đình thì bị xem là “quá lứa”. Điều đặc biệt trong hôn nhân truyền thống của người M’nông là tôn trọng ý kiến cha mẹ, ít khi dám làm trái lời vì sợ bị từ bỏ quyền làm con, bị nguyền rủa sẽ bất hạnh và nghèo khổ suốt đời. Lễ cưới của dân tộc M’nông ở Lắk là một phong tục đẹp, giàu tính nhân văn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. "Theo phong tục của đồng bào M’nông Gar, cứ sau một mùa rẫy là các buôn làng tổ chức các nghi lễ - lễ hội vòng đời người, nhằm tạ ơn các vị thần linh trong trời đất, tạ ơn tổ tiên, ông bà đã phù hộ cho mọi người lúa thóc đầy bồ, heo bò đầy sân, chật bãi. Trong các nghi lễ này, lễ cưới được mọi người quan tâm hơn cả, gồm các nghi thức: lễ dạm; lễ hỏi; lễ cưới bên nhà gái; lễ cưới bên nhà trai", thầy cúng Y Krai Cil, buôn Jiê Yúk (xã Đắk Phơi) cho hay.

Tuy nghi lễ, nghi thức lễ cưới của hai bên gia đình tương tự nhau nhưng đối với người M’nông điều này không thừa bởi nhắc nhở đôi trai gái biết sống, biết ứng xử với gia đình và mọi người xung quanh. Điểm chung của các nghi lễ là sự chuẩn bị công phu, chu đáo các lễ vật và đảm bảo nhiều kiêng cữ nhằm mong muốn mọi sự suôn sẻ tốt đẹp cho đôi vợ chồng. Cũng như người M’nông ở các địa phương khác, hôn nhân người M’nông mang đậm dấu ấn mẫu hệ: phía nhà gái giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nếu dân tộc Êđê, Cơ Ho, Chu Ru người con gái giữ vai trò chủ động, thì với đồng bào M’nông người đi hỏi là nam giới.

Con cháu quây quần tham dự lễ cúng sức khỏe vợ chồng ông Y Krai Cil ở buôn Jiê Yúk (xã Đắk Phơi, huyện Lắk).   Ảnh: H.Hùng
Con cháu quây quần tham dự lễ cúng sức khỏe.

Trọng người già là một nét đẹp trong văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên, trong đó có dân tộc M’nông. Những người đến độ tuổi 60 sẽ được làm lễ mừng sức khỏe (hàm nghĩa mừng thọ). Không như người M’nông sinh sống ở các nơi khác làm lễ mừng thọ một lần, với đồng bào M’nông (huyện Lắk) con cả sẽ tổ chức lễ trước, sau đó đến những người con kế tiếp. Thời gian tổ chức thường khi thu hoạch xong, thóc lúa đã vào kho khoảng từ tháng 11 đến tháng Giêng năm sau. Khi qua đời, những nghi thức liên quan đến tang ma được người M’nông tổ chức kỹ lưỡng.

Hiện nay, dưới tác động của nhiều yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội..., đời sống của dân tộc M’nông ở huyện Lắk đã có nhiều thay đổi, theo đó nghi lễ vòng đời người cũng có sự biến đổi, tích hợp thêm những giá trị văn hóa mới phù hợp. Tuy vậy, các nghi lễ vòng đời của người M’nông vẫn khẳng định những giá trị văn hóa có ý nghĩa, phản ánh giá trị đạo đức của gia đình, rộng hơn là của cộng đồng. Qua đó giúp cá nhân vượt qua những lo âu về tinh thần tại những thời điểm chuyển tiếp quan trọng từ thơ ấu đến trưởng thành, cưới hỏi, tang ma. Vì thế, cần hiểu rõ những giá trị văn hóa độc đáo trong nghi lễ vòng đời của người M’nông nhằm phát huy những yếu tố tích cực tạo sức mạnh và động lực nội sinh duy trì bản sắc văn hóa tộc người; khẳng định việc bảo tồn và phát huy nghi lễ vòng đời của người M’nông là vấn đề rất cần sự quan tâm chung tay của nhiều người nhằm giữ gìn văn hóa của người M’nông nói chung và cư dân M’nông ở huyện Lắk nói riêng.

Nguyên Hùng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.