Phát triển du lịch cộng đồng từ bản sắc văn hóa
Mỗi năm sau mùa thu hoạch, đúng vào ngày đầu tiên của năm mới, tiếng chiêng ở buôn Kon H’ring (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) lại vang lên rộn rã.
Âm thanh đó đã kết nối, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người Xê Đăng dưới chân núi Cư Dliê Mnông. Trưởng buôn A Nit cho biết: “Năm 1975, bà con Sê Đăng từ Kon Tum đã về dưới chân núi Cư Dliê Mnông để gây dựng buôn làng mới - buôn Kon H’ring bây giờ. Trải qua biết bao khó khăn, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bây giờ đời sống của bà con đã được cải thiện và dần khấm khá. Lễ mừng cơm mới hằng năm được buôn làng duy trì vừa để gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc vừa nhắc nhở con cháu về cội nguồn”.
Nghệ nhân A Plôi - người truyền dạy chiêng và nhiều nhạc cụ dân tộc khác cho đội chiêng trẻ của buôn bảo: “Không có chiêng cuộc sống sẽ rất buồn nên trong buôn gần như ai cũng biết đánh chiêng, người già truyền dạy cho người trẻ”. Cứ như thế, tiếng chiêng, tiếng kèn gắn bó với đời sống cộng đồng của người Xê Đăng nơi đây cho đến tận ngày hôm nay. Có lẽ vì vậy mà đây là một trong những buôn lưu giữ nhiều chiêng nhất của huyện, cũng là một trong những buôn làng hiếm hoi của tỉnh tự thân tổ chức lễ mừng cơm mới và duy trì đều đặn hằng năm với sự tham gia của cả cộng đồng.
Lễ mừng cơm mới ở buôn Kon H'ring (xã Ea H'đing, huyện Cư M'gar). |
"Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các cộng đồng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan định hướng cụ thể, đồng thời tham mưu xây dựng chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp cho từng cộng đồng ở các buôn để loại hình du lịch này phát triển bền vững”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh
|
Gần 40 năm duy trì, Lễ mừng cơm mới ở buôn Kon H’ring tổ chức vào ngày 1-1 (dương lịch) hằng năm đã trở thành ngày hội văn hóa đặc sắc thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh. Đây cũng chính là một trong những lý do mà buôn Kon H’ring được ngành du lịch của tỉnh chọn để khảo sát làm du lịch cộng đồng vào cuối tháng 12-2020. Theo Chủ tịch UBND xã Ea H’đing Trần Văn Đạo, trong đời sống hiện đại, một số lễ hội của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, hay chỉ xuất hiện trong các dịp biểu diễn mang tính phục dựng, thì điều đáng mừng là người Sê Đăng ở đây vẫn tự thân duy trì lễ hội cộng đồng. Việc gắn bảo tồn với phát triển du lịch cộng đồng đang được ngành du lịch qua tâm cũng là hướng đi phù hợp mà chính quyền địa phương hướng đến nhằm cải thiện sinh kế cho người dân nơi đây.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm xây dựng Nghị quyết về chính sách phát triển du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tháng 12-2020, Sở đã phối hợp các ngành liên quan tổ chức khảo sát một số buôn trên địa bàn tỉnh như: buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột), buôn Trí B (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), buôn Kon H’ring (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar), buôn K Niêk (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc), buôn M’Liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk)… Đây là những buôn mà đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn, có vốn văn hóa đặc sắc và đều làm tốt công tác gìn giữ vốn văn hóa của cộng đồng mình. Đó chính là nền tảng vững chắc để ngành du lịch tham mưu chính quyền địa phương trong hoạch định chính sách, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, cộng đồng cùng làm du lịch.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc