Multimedia Đọc Báo in

Lưu giữ hát then, đàn tính ở Ea Yông

17:41, 18/04/2021

Dù xa quê hương Cao Bằng, Lạng Sơn đã rất nhiều năm nhưng những người dân tộc Tày, Nùng đang sinh sống trên mảnh đất Ea Yông (huyện Krông Pắc) vẫn trân trọng gìn giữ văn hóa hát then, đàn tính truyền thống thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ.

Năm 1987, bà Lê Thị Hoa (dân tộc Tày) di cư từ miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên sinh sống, mang theo nỗi nhớ quê hương cùng điệu then, tiếng tính. Người dân thôn Lạng Sơn nơi bà Hoa ở đa số là đồng bào Tày, Nùng, đời sống còn nhiều khó khăn, những lo toan của cuộc sống thường ngày cũng khiến hát then, đàn tính dần mai một, chỉ còn xuất hiện thưa thớt trong ngày Tết hoặc lễ hội quan trọng. Với mong mỏi không để văn hóa truyền thống của dân tộc mình bị thất truyền, bà Hoa đã mở các lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc miễn phí cho học sinh và người dân trong thôn. Bà Hoa chia sẻ: “Tranh thủ thời gian rảnh rỗi tôi lại tập hợp những người có cùng đam mê về tại hội trường thôn để tập luyện. Sau một ngày làm việc vất vả chỉ cần ngân lên tiếng then, cầm trên tay cây đàn tính của quê hương thì bao mệt mỏi dường như tan biến hết”.

Câu lạc bộ hát then đàn tính thôn Lạng Sơn (xã Ea Yông) thu hút nhiều bạn trẻ tham gia sinh hoạt.
Câu lạc bộ hát then đàn tính thôn Lạng Sơn (xã Ea Yông) thu hút nhiều bạn trẻ tham gia sinh hoạt.

Thời gian đầu, để tiết kiệm chi phí, bà Hoa cùng một số người dân trong thôn tự tay làm đàn tính. Bà cho hay, muốn làm ra cây đàn tính có âm sắc chuẩn trước hết phải chọn được quả bầu già, hình dáng bên ngoài tròn đẹp, vỏ dày, gõ vào phải kêu đanh và mất từ 7 - 10 ngày để hoàn thành. Cứ đều đặn hằng tuần, những người có chung niềm đam mê hát then, đàn tính lại cùng về nhà văn hóa thôn Lạng Sơn, say sưa luyện tập. Họ thành lập một đội văn nghệ, mang lời ca, tiếng đàn của mình góp vui trong các dịp lễ, tết ở địa phương. Đội còn tham gia và đạt nhiều giải cao tại các chương trình liên hoan văn nghệ quần chúng, liên hoan đàn hát dân ca các dân tộc của huyện.

Những nỗ lực của người dân thôn Lạng Sơn cũng được đền đáp khi Câu lạc bộ hát then, đàn tính thôn Lạng Sơn được UBND xã Ea Yông ra quyết định thành lập vào đầu năm 2021 do nghệ nhân Lê Thị Hoa làm Chủ nhiệm, có 23 thành viên thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia sinh hoạt. Em Hứa Thị Thu Kiều (16 tuổi, thành viên câu lạc bộ) cho hay, từ nhỏ em đã được nghe mẹ hát những bài hát tiếng Tày ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu và quê hương Tây Bắc hùng vĩ nên tự lúc nào đã say mê điệu then, tiếng tính, cùng góp sức gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ông Lương Văn Tỷ, Bí thư Chi bộ thôn Lạng Sơn cho biết, tuy mới được thành lập nhưng Câu lạc bộ hát then, đàn tính thôn Lạng Sơn đã kết nối được những tâm hồn cùng đam mê âm nhạc dân tộc. Từ đó, hát then, đàn tính đã thấm sâu vào đời sống của người dân trong thôn, góp phần giúp nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng phía Bắc vẫn được lưu truyền, bảo tồn và phát huy trên quê hương mới.

Thành viên Câu lạc bộ hát then, đàn tính thôn Lạng Sơn (xã Ea Yông) biểu diễn văn nghệ trong buổi sinh hoạt đình kỳ tại nhà văn hóa thôn
Thành viên Câu lạc bộ hát then, đàn tính thôn Lạng Sơn (xã Ea Yông) biểu diễn văn nghệ trong buổi sinh hoạt đình kỳ tại nhà văn hóa thôn.

Xã Ea Yông hiện có hơn 40% dân số là dân tộc thiểu số trong đó chủ yếu là người Êđê, Tày, Nùng. Để góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, UBND xã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian trong các dịp Tết hoặc ngày lễ quan trọng nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh cho các dân tộc anh em trên địa bàn xã giao lưu, kết nối, thắt chặt tình đoàn kết. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” tại địa phương.

Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.