Multimedia Đọc Báo in

Đến làng nghề xứ Huế xem làm hương

08:30, 15/05/2021

Nằm cách TP. Huế  khoảng 7 km về hướng tây nam, làng Thủy Xuân ẩn mình dưới chân đồi Vọng Cảnh, bên dòng sông Hương thơ mộng.

Nơi đây, từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm hương trầm thơm, được người dân xa gần biết tiếng. Trong những năm gần đây, làng hương Thủy Xuân đã trở thành địa điểm tham quan được nhiều du khách ưa chuộng.

Từ năm 1990 đến nay, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, hương Thủy Xuân còn bán ra thị trường TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; thậm chí danh tiếng của hương Thủy Xuân đã vươn xa đến tận Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kông… Sản phẩm của làng hương Thủy Xuân là những cây hương nhỏ nhắn, tinh xảo, khi thắp (đốt) lên có mùi hương trầm dịu dàng, tạo cảm giác yên bình, thoải mái.

Bà Hoàng Thị Giáng (62 tuổi, một người làm hương lâu năm tại phường Thủy Xuân) cho hay, nghề làm hương tại đây là nghề “cha truyền con nối”. Không ai biết rõ nghề làm hương có từ khi nào nhưng có lẽ làng nghề có tuổi đời cũng đã hàng trăm năm. Hương ở đây đến giờ vẫn được làm thủ công từ đầu đến cuối. Đặc biệt, hương được làm từ những nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên không pha hóa chất nên việc sử dụng sẽ đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách hàng. Khi làm hương quế, người thợ sẽ trộn bột theo tỷ lệ 70% bột quế, 20% bột dẻo và 10% là mùn cưa; không dùng mùn cưa từ mít, xoan và kiền kiền vì chúng sẽ khiến hương không cháy.

Người dân làng Thủy Xuân làm hương.    Ảnh: Ngọc Hoa
Người dân làng Thủy Xuân làm hương. Ảnh: Ngọc Hoa

Hiện nay, làng nghề làm hương Thủy Xuân có hơn 50 hộ vừa làm nghề chẻ lõi tăm bán ra khắp toàn tỉnh, vừa làm hương bán sỉ. Trung bình mỗi tháng một lao động nữ (chiếm đa số) có thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng; công việc có thể làm quanh năm, thời điểm bận rộn nhất là các tháng gần lễ Phật đản, rằm tháng bảy và Tết Nguyên đán.

Những năm gần đây, không chỉ có mùi hương thay đổi mà màu sắc chân hương cũng có sự thay đổi nhiều. Cụ thể, ngày trước chỉ có màu đỏ hoặc nâu được sơn ở phần chân của que hương, đến nay phần này được sơn với nhiều màu sắc đỏ, vàng, xanh, tím… rất bắt mắt. Sự thay đổi này đã khiến con đường trong làng hương Thủy Xuân sặc sỡ hơn, đặc trưng hơn và trở thành địa điểm tham quan thú vị với du khách.

Sắc sỡ sản phẩm hương Thủy Xuân.
Sắc sỡ sản phẩm hương Thủy Xuân.

Đến thăm làng hương Thủy Xuân, du khách sau khi tham quan còn được hướng dẫn, trải nghiệm cách làm hương thủ công, được tìm hiểu thêm về làng nghề và cuộc sống của người dân nơi đây. Sự nhiệt tình, thân thiện của người dân làng hương đã thu hút nhiều du khách trở lại mỗi khi có dịp đến Huế.

Tiên Sa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.