Multimedia Đọc Báo in

Vang vọng tiếng hát then, đàn tính

08:42, 25/07/2021

Bằng nhiều hình thức khác nhau như sinh hoạt câu lạc bộ, tham gia các cuộc thi, liên hoan… những người Tày, Nùng di cư từ miền Bắc vào Tây Nguyên đã mang theo tiếng đàn tính cùng những điệu hát then để làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở vùng đất mới.

Bà con dân tộc Tày, Nùng sinh sống tại thôn 4B (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo) dù xa mảnh đất Cao Bằng đã lâu nhưng vẫn luôn giữ điệu hát then, nhịp đàn tính. Họ thành lập đội văn nghệ, mỗi tháng dành ra hai ngày để tổ chức sinh hoạt văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần...

Bà Nông Thị Bành, một trong những thành viên lớn tuổi nhất của đội văn nghệ chia sẻ: “Đa số người trong thôn là dân tộc Tày, Nùng, có chung niềm đam mê văn hóa truyền thống. Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn dành thời gian để giao lưu học hỏi với nhau, tạo nên tình thân và sự đoàn kết. Sau những ngày làm việc vất vả, được đàn, được hát, nhất là điệu hát quê hương giúp chúng tôi có thêm niềm vui và động lực trong cuộc sống”.

Các nghệ nhân ở thôn 4B (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo) luyện tập đàn tính, hát then cho các bạn trẻ.
Các nghệ nhân ở thôn 4B (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo) luyện tập đàn tính, hát then cho các bạn trẻ.

Không chỉ đàn, hát để thỏa mãn đam mê, những nghệ nhân lớn tuổi trong thôn còn chỉ bảo con cháu, với hy vọng thế hệ trẻ sẽ tiếp thu và bảo tồn vốn văn hóa quý báu của dân tộc mình. Em Nông Thị Huyến (SN 1990), Nông Triệu Lê Na (11 tuổi) là những bạn trẻ trong thôn được bà Bành chỉ dạy, đến nay đã thuộc được rất nhiều điệu then lời mới và đang thử học hát một số điệu then cổ, tự tin tham gia các buổi văn nghệ ở trường, lớp, thôn…

Trước đây, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, các cuộc thi, liên hoan đàn tính, hát then thường xuyên được nhiều đơn vị tổ chức, vừa tạo sân chơi cho những người yêu ca hát, vừa là dịp để những người dân tộc Tày, Nùng xa quê được gặp gỡ, giao lưu, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn di sản văn hóa đặc sắc của cha ông trên quê hương mới.

Các cuộc liên hoan thu hút rất đông sự tham gia của cộng đồng người Tày, Nùng ở Đắk Lắk với nhiều tiết mục đặc sắc. Ngoài những tác phẩm ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, con người, những nét đẹp trong đời sống thì còn có những bài, trích đoạn then cổ và diễn xướng nghi lễ then hấp dẫn.

Tiêu biểu như tiết mục: “Hát Khảm hải” của Câu lạc bộ đàn tính, hát then xã Đắk Nuê, huyện Lắk; tiết mục “Khửn háng tam quan” (Lên chợ trời) của Câu lạc bộ Đàn tính, hát then TP. Buôn Ma Thuột… Nhiều tiết mục đã được ban giám khảo đánh giá cao sự tâm huyết trong việc sưu tầm, bảo tồn nghệ thuật dân gian của các nghệ nhân, qua đó làm cho sân khấu thêm sinh động hấp dẫn, đưa những giá trị văn hóa về hát then, đàn tính ngày càng gần gũi hơn với khán giả.

“Những chương trình như thế rất có ý nghĩa, bởi nó không chỉ mở ra sân chơi cho nghệ thuật dân gian, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các cộng đồng dân tộc. Loại hình nghệ thuật dân gian này còn tiềm ẩn sâu ở trong cộng đồng nên cần được "đánh thức", khơi gợi ý thức trách nhiệm, lòng tự hào và cả đam mê của người Tày, Nùng để có thể phát huy nét văn hóa độc đáo này", nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm đánh giá.

Một tiết mục được biểu diễn tại Liên hoan hát then – đàn tính mở rộng TP. Buôn Ma Thuột lần thứ nhất năm 2020.
Một tiết mục được biểu diễn tại Liên hoan hát then – đàn tính mở rộng TP. Buôn Ma Thuột lần thứ nhất năm 2020.

Bằng nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau, mỗi nghệ nhân, diễn viên, người xa quê đã cùng nhau gặp gỡ, chia sẻ, cất lên những điệu then, tiếng tính ngọt ngào, giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Đây cũng là dịp để nhân lên niềm tin, động lực giúp họ gìn giữ nét văn hóa truyền thống của cha ông trên quê hương mới.

Mai Sao


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.