Độc đáo Cà phê thổ cẩm
Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 5 km, quán Cà phê thổ cẩm Đam Ry (Đường Nguyễn Chí Thanh – TP. Buôn Ma Thuột) đang dần trở thành điểm đến thú vị đối với du khách trong và ngoài tỉnh.
Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống độc đáo của dân tộc Êđê và tỉnh cũng đã có những giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống như: ưu tiên cấp đất, hỗ trợ kinh phí để các hợp tác xã (HTX) thổ cẩm xây dựng trụ sở, cơ sở sản xuất, mua sắm trang thiết bị... Tuy nhiên, những HTX này vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhất là khi khoa học công nghệ phát triển, những sản phẩm dệt bằng máy hay hàng nhái có giá thành rẻ lại được sử dụng nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, HTX Dệt thổ cẩm Buôn Ma Thuột đã tìm cách quảng bá sản phẩm thông qua một hình thức khá mới mẻ. HTX có 35 xã viên, họ tận dụng thời gian nhàn rỗi ở nhà dệt thổ cẩm và đem bày bán tại cửa hàng. Trung bình hằng tháng, mỗi người thu nhập thêm từ 2 - 2,5 triệu đồng. Tuy đây không phải là số tiền lớn, nhưng phần nào giúp các xã viên ổn định cuộc sống và gìn giữ được nghề truyền thống. Chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên, Phó Giám đốc HTX cho biết: “Các sản phẩm của HTX hầu hết là dệt tay, các mũi thêu, dệt rất tinh xảo được khách hàng yêu thích, nhưng giá thành khá cao, từ 70 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng nên đôi khi lại kén khách”. Luôn đau đáu tìm ra được một hướng đi mới cho mặt hàng dệt thổ cẩm, đồng thời mong muốn mang lại thu nhập ổn định cho các xã viên và bảo tồn phát triển nghề truyền thống này, chị Nguyên đã cùng các đồng nghiệp mở quán cà phê trưng bày hàng dệt thổ cẩm do chính HTX sản xuất với tên gọi Cà phê thổ cẩm Đam Ry.
Khách hàng lựa chọn đồ thổ cẩm tại quán. |
Là người nặng lòng với văn hóa dân tộc Êđê, chị Nguyên yêu thích và muốn lưu giữ nghề dệt truyền thống này, coi như đứa con tinh thần của mình. Cũng vì vậy mà quán cà phê được chị trang trí theo đúng bản sắc văn hóa của người Êđê, có bếp lửa, bàn ghế gỗ, trưng bày hàng thổ cẩm, hoa lá mọc tự nhiên... mộc mạc đơn sơ nhưng rất ấm áp. Đó còn là không gian thưởng thức cà phê đậm chất Tây Nguyên, cùng với ý tưởng mỗi một lượt khách hàng đến với quán, là một cơ hội quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm, nhất là khi Đắk Lắk đang là một điểm du lịch hấp dẫn với nhiều du khách trong và ngoài nước.
Những sản phẩm của HTX cũng rất phong phú, từ mũ, áo, túi xách... được dệt sẵn, cho đến những tấm vải to bản với đường nét tinh xảo và hoa văn độc đáo, khách hàng có thể tùy ý may quần áo, túi sách theo sở thích. Chị Nguyễn Thị Phương Đài (khách du lịch đến từ An Giang) chia sẻ: “Tôi có niềm yêu thích đặc biệt với vải thổ cẩm ở đây, nhìn chúng rất thú vị. Bạn bè tôi sử dụng chất liệu này để trang trí trên áo dài trông rất phong cách. Tôi thì dùng chúng để trang trí nội thất”. Nhiều khách mua hàng cho biết thêm, họ tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, là hàng thật 100% nên cảm thấy xứng đáng với đồng tiền bỏ ra.
Hiểu được tâm lý khách hàng là muốn được mua sản phẩm chất lượng, đồng thời cũng muốn nâng cao giá trị sản phẩm do HTX sản xuất, sắp tới quán sẽ sửa sang tu bổ ngôi nhà sàn bên cạnh để trưng bày thêm sản phẩm, dệt sản phẩm ngay tại nhà sàn để du khách được tận mắt chứng kiến những công đoạn tỉ mỉ công phu của quá trình dệt vải. Hiện nay, hằng ngày quán đón hơn 50 khách trong và ngoài tỉnh đến thưởng thức cà phê và chiêm ngưỡng những sản phẩm dệt thổ cẩm. Đây sẽ là động lực để các thành viên trong HTX phát triển và bảo tồn nghề dệt truyền thống.
Ánh Ngọc
Ý kiến bạn đọc