Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn:

Truyền thông hiệu quả, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

06:11, 25/12/2022

Năm 2022, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tối thiểu được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Trong khi đó, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người đang tham gia và có ý định tham gia BHXH tự nguyện băn khoăn. Dù vậy, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Buôn Đôn vẫn được duy trì và phát triển.

Để đẩy mạnh vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHXH huyện Buôn Đôn đã chủ động triển khai đa dạng, linh hoạt nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn như: tổ chức hội nghị trực tiếp tuyên truyền, đối thoại với cán bộ chủ chốt tại các thôn, buôn; phối hợp với Bưu điện tổ chức hội nghị truyền thông khách hàng, đặc biệt chú trọng truyền thông theo nhóm nhỏ, đối thoại trực tiếp tại khu dân cư, nhà riêng; phối hợp với chính quyền các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia…

Bà Nguyễn Thị Hữu (bên phải) tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân.

Song song đó, BHXH huyện đã phát huy vai trò của cán bộ hội, tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đơn cử như bà Nguyễn Thị Hữu, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Wer là nhân viên thu bảo hiểm phát triển được khá nhiều đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong những năm gần đây. Theo bà Hữu, trong quá trình công tác, hoạt động chuyên môn, bà thường kết hợp tuyên truyền, vận động để người dân hiểu hơn chính sách an sinh của loại hình BHXH tự nguyện. Qua đó, không chỉ cán bộ hội viên của Hội tham gia mà rất nhiều người dân cũng tìm đến bà để đóng BHXH tự nguyện.

Bà Nguyễn Thị Phương (một khách hàng ở xã Ea Wer) cho biết, trước đây, bà không biết tham gia BHXH tự nguyện là như thế nào, có lợi ích gì, nhưng khi được bà Hữu tuyên truyền, giải thích thấy nhiều lợi ích như được Nhà nước hỗ trợ đóng một phần, về già có lương hưu, được cấp thẻ BHYT mà không phải làm phiền, trở thành gánh nặng của con cái… nên bà đã tham gia đóng cho cả hai vợ chồng. Hay như trường hợp bà Phan Thị Sấn, năm nay đã 65 tuổi nhưng vẫn quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Bởi theo bà, hiện nay sức khỏe của bà vẫn khá tốt nên còn làm được việc, có thu nhập thì tham gia để dành khi không đủ sức khỏe nữa thì có được đồng lương hưu trang trải sinh hoạt. Bà còn nhận thức được rằng đây là chính sách thiết thực, mang lại nhiều ý nghĩa cho người dân cũng như giảm gánh nặng cho Nhà nước với người già hết tuổi lao động.

Cán bộ BHXH huyện Buôn Đôn giải quyết chính sách bảo hiểm cho người tham gia.

Có thể nói, để phát triển BHXH tự nguyện, giải pháp căn cơ là tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của người lao động để họ hiểu tầm quan trọng của loại hình được xem như “của để dành” khi về già. Xác định điều này, BHXH huyện Buôn Đôn đã luôn chủ động trong công tác tham mưu, phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đổi mới công tác tiếp cận bằng nhiều hình thức để đạt được kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số trên điện thoại của cá nhân, nhằm cắt giảm thủ tục hành chính cho người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, tăng khả năng tương tác giữa cơ quan BHXH và người lao động, tạo lòng tin của người lao động về chính sách BHXH, tạo sự lan tỏa đến mọi người dân. Được biết, tính đến tháng 12, toàn huyện phát triển trên 800 người tham gia BHXH tự nguyện.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.