Chủ động lắng nghe, cùng dân gỡ vướng (kỳ 1)
Không “giao khoán” hoàn toàn cho chính quyền, những năm qua, nhiều cấp ủy đảng các địa phương đã chủ động đối thoại, lắng nghe; thông qua những ý kiến, phản ánh của nhân dân để vào cuộc, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những băn khoăn, vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, giúp ổn định tình hình từ cơ sở.
Đối thoại để gỡ vướng cho dân
Quyết liệt mà khéo léo, thượng tôn pháp luật nhưng vẫn trọng tình nghĩa, đó là cách để nhiều cấp ủy Đảng giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn, bức xúc trong cộng đồng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người dân.
Từ việc cá nhân...
Hơn 20 năm tham gia công tác dân vận ở cơ sở, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn 1 (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) Nguyễn Viết Phương cùng các thành viên tổ dân vận thôn đã hòa giải thành hàng chục vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong dân.
Ông Phương vẫn nhớ chuyện tranh chấp đất giữa ông N.D.M. và gia đình bà L.T.K.T. cách đây chừng 2 năm. Chuyện là năm 2010, gia đình ông M. mua 1,1 sào đất của người dân thôn 1 và chuyển đến ở, nhưng khi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) thì ông M. lấn chiếm luôn thửa đất 650 m2 bên cạnh của gia đình bà T. Năm 2019, khi bà T. làm thủ tục xin cấp sổ đỏ mới phát hiện ra sự việc trên nên đã báo cáo chính quyền địa phương. Biết chuyện, tổ dân vận cơ sở đã đến nắm tình hình, tìm hiểu nguyên nhân để vận động, hòa giải. Tuy nhiên, ban đầu các bên đều không đồng ý. Ông M. cho rằng đó là đất ông mua và đã được Nhà nước cấp sổ đỏ, còn bà T. thì nhất quyết đòi kiện ra tòa vì đây là đất bà khai hoang và canh tác từ hơn 20 năm trước. Với sự nhẹ nhàng, ôn hòa và kiên nhẫn, các thành viên tổ dân vận đã thường xuyên đến nhà trò chuyện, khéo léo phân giải hợp tình, hợp lý. Khoảng 3 tháng sau thì hai bên bình tĩnh nhìn nhận sự việc. Bà T. đã tự nguyện rút đơn khởi kiện, gia đình ông M. cũng đồng ý làm lại sổ đỏ, trả phần đất đã chiếm dụng.
Bí thư chi bộ thôn 1 (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) Nguyễn Viết Phương (bìa trái) cùng thành viên tổ dân vận đến tận nhà người dân tuyên truyền pháp luật. Ảnh: L.Thành |
Trước đây, người dân buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn ma Thuột) còn giữ nhiều tập tục lạc hậu, việc cưới xin, ma chay thường tổ chức rình rang nhiều ngày, tục thách cưới lễ vật trâu, bò, chiêng, ché... tốn kém. Đây cũng là nỗi niềm, gánh nặng kinh tế mà bao năm họ vẫn phải chịu đựng. Với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân vận buôn Tơng Jú, hằng ngày ông Y Thăm Kbuôr thường xuyên đến từng nhà dân để tuyên truyền, giúp bà con nâng cao nhận thức pháp luật, loại bỏ dần các tập tục lạc hậu ra khỏi đời sống; mặt khác thống nhất với chi bộ, ban tự quản buôn sửa đổi, bổ sung các nội dung trong hương ước, quy ước của buôn sao cho vừa giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đảm bảo đúng quy định pháp luật.
“Mâu thuẫn xuất phát từ nhiều yếu tố, và để giải quyết hài hòa mâu thuẫn cũng có nhiều cách, với tôi cái tình vẫn là yếu tố cốt lõi; đương nhiên, cũng phải căn cứ theo quy định pháp luật để xử lý nghiêm những chuyện không đúng, trái lẽ thường trong cộng đồng”. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn1 (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) Nguyễn Viết Phương |
Nhiều người trong buôn Tơng Jú vẫn còn nhớ chuyện kết hôn của anh Y.Tr.N. và chị H.J.M. khoảng hơn một năm trước. Do nhà trai đòi lễ vật thách cưới quá cao, trong khi gia đình nhà gái lại khó khăn, dẫn đến mâu thuẫn, và đỉnh điểm là xô xát lẫn nhau. Nắm bắt được tình hình, Tổ dân vận buôn đã đến tận nhà trò chuyện với hai bên gia đình, dẫn giải “luật làng” quy định trong hương ước, quy ước; đồng thời khéo léo vận động, phân tích để đôi bên hiểu rõ việc thách cưới nặng nề sẽ trở thành gánh nặng kinh tế, nợ nần, con cái xấu hổ với dân làng và không được hạnh phúc. Nghĩ đến tương lai đôi trẻ và tình nghĩa thông gia, hai bên gia đình đã hòa thuận, ký cam kết không vi phạm quy định của buôn và vui vẻ tổ chức đám cưới cho con. Qua việc này, như “cởi được nút thắt” giúp các gia đình khác trong buôn làm theo, đến nay không còn xảy ra trường hợp nào tương tự nữa.
Đến chuyện liên quan đến sinh kế của cộng đồng
Thực hiện quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư, phó bí thư cấp ủy với nhân dân, vào tháng 4-2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Cư M’gar đã tổ chức đối thoại với người dân xã Ea M’nang. Qua tiếp xúc, nắm bắt được vụ việc nhiều năm về trước, UBND xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) đã tiến hành dự án xây dựng chợ và phân lô đất quy hoạch để bán cho một số hộ dân tại địa bàn. Tuy nhiên, việc quy hoạch chợ không thành nên UBND xã đã chuyển vị trí đất quy hoạch chợ sang xây dựng Trạm Y tế xã. Không nhận được phương án đền bù thỏa đáng, các hộ dân đã nhiều lần phản ánh vụ việc trong các đợt tiếp xúc cử tri tại xã nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cư M'gar Nay H'Nan nghiên cứu kiến nghị của người dân trước mỗi buổi đối thoại. Ảnh: H.Chuyên |
Nhận thấy sự việc trên vừa ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân, vừa gây giảm sút niềm tin của nhân dân với chính quyền địa phương, Huyện ủy đã giao UBND huyện xác minh làm rõ để giải quyết. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, huyện Cư M’gar đã xác định có 22 hộ mua đất tại khu vực trên và đề xuất phương án đền bù cho dân… Đến nay, huyện đã hoàn thành việc bồi thường cho các hộ dân với tổng số tiền trên 3,5 tỷ đồng.
Tại huyện Cư Kuin, khi UBND huyện tiến hành thi công dự án thoát nước từ khu trung tâm hành chính huyện về các buôn Ea Khít, Ea Khít A (xã Ea Bhốk) thì UBND xã Ea Bhốk nhận được đơn của các hộ dân kiến nghị việc thi công công trình gây ảnh hưởng đến việc sản xuất mùa vụ, đặc biệt là vụ lúa hè thu, đồng thời việc xả nước sẽ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống của bà con.
Khi chưa thống nhất được phương án giải quyết, đơn vị thi công lại tiếp tục thi công công trình dẫn đến việc hàng trăm người dân buôn Ea Khít và Ea Khít A kéo đến trụ sở UBND xã để yêu cầu được gặp người có trách nhiệm liên quan. Trước tình hình đó, đích thân đồng chí Lê Thái Dũng, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin cùng lãnh đạo các ban, ngành đã trực tiếp đến hiện trường để lắng nghe tâm tư nguyện vọng và đối thoại với dân.
Đoàn công tác của huyện cùng với người có uy tín trong buôn đứng ra khuyên giải, đồng thời mời một số hộ dân đại diện để làm việc cùng chính quyền. Nắm bắt được tâm tư cùng những âu lo của người dân, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã trực tiếp xác minh vấn đề với các cấp, ngành có liên quan, đồng thời hứa trước dân sẽ kiểm tra lại toàn bộ vụ việc để có câu trả lời thỏa đáng. Mặt khác, yêu cầu đơn vị thi công ngay lập tức rút hết máy móc ra khỏi buôn, tránh tình trạng gây mất an ninh trật tự.
Phân tích cách giải quyết vụ việc, đồng chí Lê Thái Dũng cho rằng: “Người làm công tác tiếp dân cần nhìn nhận sự việc thấu đáo, kỹ càng để giải quyết vấn đề thấu tình, đạt lý. Quan trọng nhất là những gì đã hứa với dân thì phải cố gắng làm cho được, có như vậy người dân mới tin tưởng đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương”.
(còn nữa)
Kỳ 2: Phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy
Lê Thành - Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc