Multimedia Đọc Báo in

Chủ động lắng nghe, cùng dân gỡ vướng (kỳ 2)

08:30, 30/08/2021

Kỳ 2: Phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy

Xác định công tác đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, các cấp ủy đã xây dựng nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý kịp thời, dứt điểm vướng mắc của công dân.

Tổ dân vận cơ sở

Trong đời sống hằng ngày, việc xảy ra xích mích, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Để giải quyết kịp thời, tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp, không để xảy ra “điểm nóng”, kiện tụng vượt cấp, phức tạp, kéo dài, những năm qua, các cấp ủy Đảng đã chú trọng kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ dân vận cơ sở. Tổ dân vận cơ sở thường do cấp ủy điều hành mà trực tiếp là đồng chí bí thư chi bộ đó. Các thành viên đều là cán bộ chủ chốt, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, được nhân dân bầu chọn công khai, dân chủ.

Tổ dân vận thôn Tiến Phát (xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar) tham gia hòa giải một trường hợp tranh chấp đất trên địa bàn. Ảnh: Lê Thành

Ông Trần Quốc Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, toàn xã hiện có 22 tổ dân vận cộng đồng do bí thư chi bộ các thôn, buôn làm tổ trưởng, cùng với các thành viên là phó bí thư chi bộ, trưởng thôn, mặt trận, công an viên, đại diện chi hội, đoàn thể… Xã Hòa Khánh đã từng có thời gian phát sinh hàng chục đơn thư, vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, việc xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, vệ sinh môi trường, hôn nhân gia đình… Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ xã đặc biệt chú trọng quan tâm, tạo điều kiện để các tổ dân vận phát huy vai trò, chức năng tham gia xử lý mâu thuẫn phát sinh ngay từ địa bàn cơ sở. Kết quả, thông qua công tác "dân vận khéo" đã hòa giải thành hầu hết các vụ việc, hạn chế tối đa đơn thư vượt cấp, bảo đảm giữ vững ổn định an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội.

“Thông qua việc đối thoại trực tiếp với bí thư, phó bí thư cấp ủy, người dân đã mạnh dạn bày tỏ những tâm tư nguyện vọng, nhất là những vướng mắc đang tồn tại trong thực tế cuộc sống, góp phần củng cố niềm tin và khẳng định mối quan hệ bền chặt giữa dân với Đảng” - Bí thư Huyện ủy Cư Kuin Lê Thái Dũng

TP. Buôn Ma Thuột đang duy trì 248 tổ dân vận hoạt động ở khắp các thôn, buôn, tổ dân phố. Những năm qua hoạt động của các tổ dân vận cơ sở đã và đang từng bước nâng cao về chất lượng, hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Theo bà H’Phong Ayun, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Buôn Ma Thuột, để nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở, hằng năm Thành ủy, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo Phòng Tư pháp thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giúp đội ngũ dân vận cộng đồng cập nhật kiến thức mới, nắm vững quy định của pháp luật để vận dụng vào thực tế công tác hòa giải. Đồng thời, tổ chức một số hoạt động phù hợp nhằm tạo điều kiện để đội ngũ dân vận gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, như: hội thi hòa giải viên giỏi; giao lưu, học tập cách làm hay, sáng tạo của những điển hình trong công tác hòa giải.

Mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư thì “muôn hình vạn trạng”. Tuy nhiên, các tổ dân vận đã khéo léo tuyên truyền, vận động hóa giải kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, bất đồng phát sinh trong dân cư; giảm thiểu đáng kể tình trạng đơn thư kéo dài, vượt cấp; góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Cử tri xã Ea Hu (huyện Cư Kuin) nêu kiến nghị về việc thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân tại một buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh:H.Chuyên

Đối thoại - vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp

Thời gian qua, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, vượt tầm xử lý của cơ sở đã được các cấp ủy, chính quyền các địa phương tháo gỡ thông qua việc tiếp xúc, đối thoại với công dân.

Bà Nay H’Nan, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cư M’gar cho biết, xác định công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với dân là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đầu năm 2016 Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư, phó bí thư cấp ủy với nhân dân trên địa bàn huyện”.

Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, các cấp ủy trên địa bàn huyện đã tổ chức được 456 buổi đối thoại với 40.975 lượt người dân tham gia, qua đó ghi nhận 4.358 ý kiến. Các buổi đối thoại được tổ chức nghiêm túc, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Ý kiến, kiến nghị của người dân tại buổi đối thoại  được cấp ủy, chính quyền các cấp lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc và trả lời kịp thời, giải trình từng trường hợp cụ thể tại chỗ, hoặc bằng văn bản sau khi hội nghị kết thúc.

Bí thư Huyện ủy Cư Kuin Lê Thái Dũng trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân xã Ea Ktur. Ảnh: Hồng Chuyên

Ngoài việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại theo quy chế, các cấp ủy trong huyện đã chủ động tổ chức đối thoại theo chuyên đề hoặc đột xuất để lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của người dân về các dự án, xây dựng cơ sở hạ tầng, chế độ, chính sách… góp phần giải quyết nhanh, dứt điểm nhiều vụ việc bức xúc kéo dài từ những năm trước. Thông qua đối thoại, các cấp, ngành cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đồng thời  kịp thời nắm bắt, xử lý hiệu quả vụ việc, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho nhân dân.

Tại huyện Cư Kuin, ngoài đối thoại định kỳ, đối thoại theo chuyên đề hoặc đột xuất, người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Cư Kuin còn tích cực dành thời gian đi cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Huyện ủy cũng đã giao cho Ban Dân vận theo dõi, tổng hợp kết quả tổ chức đối thoại giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nơi nào không tổ chức, hoặc tổ chức không có chất lượng, không giải quyết triệt để những vướng mắc, bức xúc của nhân dân thì đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy căn cứ để xem xét, đánh giá chất lượng, phân loại cán bộ, công chức cuối năm đối với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương đó.

Đánh giá về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc đối thoại với công dân, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin Lê Thái Dũng nhận định: Chủ động đối thoại để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong đời sống của người dân vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở.

Lê Thành - Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.