Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh

Tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

16:43, 13/08/2021

Sáng 13-8, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu tiến hành phiên thảo luận dưới sự chủ trì của Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Vinh Tơr.

Tại phiên làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Theo đó, hầu hết đại biểu đều nhất trí với báo cáo của UBND tỉnh và ghi nhận các kết quả đạt được trong thời gian qua cũng như những nhận định về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong những tháng cuối năm là phù hợp với thực tế hiện nay của tỉnh. Đặc biệt, trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc thu ngân sách nhà nước sẽ hết sức nặng nề do các doanh nghiệp hoạt động bị gián đoạn, khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa; nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngưng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Vinh Tơr điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Hoàng Gia
Chủ tịch HĐND tỉnh Y Vinh Tơr điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Hoàng Gia

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trương Công Thái (Tổ đại biểu TP. Buôn Ma Thuột) nhận định: Thời gian tới sẽ có một loạt chính sách của Chính phủ ban hành có hiệu lực về miễn giảm thuế, phí trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, bên cạnh đó các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu, bia… đang hoạt động trên địa bàn cũng chịu tác động tiêu cực vì dịch bệnh nên sẽ ảnh hưởng lớn đến các khoản thu cuối năm. Do vậy cần phải có những biện pháp quyết liệt mới đảm bảo được các khoản thu; cần rà soát lại các khoản chi và cắt giảm tương ứng so với mức giảm thu để cân đối thu – chi ngân sách.

Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, đại biểu Trần Hồng Tiến (Tổ đại biểu huyện Krông Pắc) cho rằng: Thời gian này các địa phương đang vào vụ thu hoạch các loại nông sản, nhưng lại gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, tiêu thụ do dịch COVID-19. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng thực hiện với các giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa. Trong đó, ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các địa phương để hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn đầu tư xây dựng các kho lạnh để thu mua và tiến hành đông lạnh các loại nông sản; cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, có những giải pháp khả thi về tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thượng Hải (Tổ đại biểu huyện Cư M’gar) nhấn mạnh: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới cực kỳ quan trọng. Hiện có nhiều người dân từ các tỉnh, thành khác trở về địa phương, do đó khẩu hiệu thực hiện phòng, chống COVID-19 trong tình hình hiện nay cần thay đổi từ “5k + vắc xin" thành “vắc xin + 5k”.

Để mua vắc xin tiêm phòng cho nhân dân, cần huy động vốn ngân sách của tỉnh, của các nguồn lực và của cộng đồng. Mặt khác, cần đảm bảo đời sống cho nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là những lao động từ các tỉnh, thành khác trở về, trong đó vấn đề giải quyết việc làm, thu nhập, sớm ổn định cuộc sống của người dân cũng là những vấn đề thiết thực, cần quan tâm giải quyết.

Về vấn đề vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nông sản trong tình hình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu Nguyễn Thượng Hải đề xuất cần quan tâm hỗ trợ kết nối cung – cầu cho sản phẩm nông nghiệp; có các biện pháp cũng như sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để đảm bảo lưu thông hàng hóa, nông sản được thông suốt, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”…

Đại biểu Huỳnh Chiến Thắng đóng góp ý kiến tại điểm cầu huyện Krông Búk. Ảnh: Hoàng Gia
Đại biểu Huỳnh Chiến Thắng đóng góp ý kiến tại điểm cầu huyện Krông Búk - Ea H'leo. Ảnh: Hoàng Gia

Đại biểu Huỳnh Chiến Thắng (Tổ đại biểu huyện Krông Búk) đề nghị xem xét chỉ tiêu xử lý nước thải, xử môi trường của các khu công nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy việc thực hiện kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và giảm thiểu các yếu tố tác động do dịch bệnh; cần huy động tối đa các nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế. Giải quyết nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng; rà soát, tạo chuỗi kết nối người lao động với giới thiệu việc làm, đào tạo việc làm; phát triển du lịch cộng đồng để hướng đến phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tại phiên thảo luận cũng đề nghị cần tăng cường điều hành và giám sát hiệu quả vốn đầu tư, thực hiện tiết kiệm, quan tâm đầu tư cho TP. Buôn Ma Thuột, các huyện khó khăn; tiếp tục quan tâm, thu hút hiệu quả đầu tư ngoài ngân sách, phát huy các khu, cụm công nghiệp, có cơ chế tạo mặt bằng sạch để thu hút các doanh nghiệp đầu tư tạo việc làm, góp phần tăng thu ngân sách và ổn định đời sống xã hội.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đinh Xuân Hà làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận. Ảnh: Hoàng Gia
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đinh Xuân Hà làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận. Ảnh: Hoàng Gia

Một số đại biểu đề nghị cần tiếp tục quan tâm triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chỉ đạo thực hiện các phương án hợp lý, chủ động, đặc biệt là phương án tiếp cận vắc xin và giám sát công tác tiêm phòng, ưu tiên cho các đối tượng tuyến đầu chống dịch và những đối tượng có liên quan; cần quan tâm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch…

Qua các ý kiến thảo luận của đại biểu, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Vinh Tơr đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành nghiêm túc tiếp thu để tiếp tục chỉ đạo điều hành, trong đó lưu ý một số chỉ tiêu còn thấp để có giải pháp thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.