Multimedia Đọc Báo in

Nhiều đột phá trong cải cách hành chính lĩnh vực hải quan

09:18, 01/08/2021

Với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ", Cục Hải quan Đắk Lắk luôn tiên phong trong việc cắt giảm và điện tử hóa thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất nhập khẩu.

Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với ông LÊ VĂN NHUẬN - Cục trưởng Cục Hải quan Đắk Lắk.

 

Cục Hải quan Đắk Lắk liên tục nhiều năm dẫn đầu tỉnh về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC). Kết quả này vừa là động lực song cũng là áp lực, ông có thể chia sẻ về điều này?

Nhờ CCHC, những năm qua Cục Hải quan Đắk Lắk tạo được nhiều thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu nên DN rất hài lòng. Đây là niềm vinh dự, tự hào của tập thể lãnh đạo, công chức và người lao động Cục Hải quan Đắk Lắk, đồng thời cũng là áp lực lớn đòi hỏi đơn vị phải duy trì và thực hiện tốt hơn nữa yêu cầu công tác CCHC trong tình hình mới. Đặc biệt là CCHC, điện tử hóa các công việc liên quan đến hoạt động hải quan nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng hải quan số, hải quan thông minh, từ đó tạo niềm tin và sự hài lòng ngày càng cao của cộng đồng DN, người dân đối với hải quan.

Thưa ông, việc áp dụng khai báo hải quan điện tử và thông quan tự động đã mang lại sự thuận tiện như thế nào cho người dân và DN?

Từ năm 2014 đến nay, Cục Hải quan Đắk Lắk đã áp dụng hệ thống thông quan tự động của Tổng cục Hải quan (VNACCS/VCIS). Hệ thống được vận hành thông suốt, ổn định nên tạo được thuận lợi cho hoạt động thương mại. Cụ thể: việc nộp và kiểm tra chứng từ hải quan được thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; việc thanh toán phí và lệ phí được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua chương trình nộp thuế điện tử và thông quan 24/7.

Thời gian tới ngành hải quan sẽ triển khai hệ thống hải quan thông minh thay thế hệ thống hải quan tự động nhằm hướng tới 3 mục tiêu: đưa Hải quan Việt Nam trở thành cơ quan hiện đại theo xu hướng chuẩn quốc tế, nằm trong số các nước có mô hình hải quan phát triển cao trên thế giới; đưa Hải quan Việt Nam dẫn đầu trong CCHC và thực hiện Chính phủ số, góp phần bảo đảm an ninh, lợi ích chủ quyền quốc gia; tạo môi trường thân thiện, minh bạch, công bằng và nhất quán, nâng cao chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới.

Hiện nay, một số chính sách, TTHC thường xuyên thay đổi, đôi khi còn chồng chéo gây khó khăn cho DN và công chức hải quan. Để tháo gỡ khó khăn này, Cục Hải quan Đắk Lắk đã thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

Để tháo gỡ vấn đề này, Cục Hải quan Đắk Lắk tập trung thực hiện 3 giải pháp. Trước tiên là đa dạng hóa hình thức phổ biến, tuyên truyền. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, đơn vị chú trọng tuyên truyền qua Zalo, trang thông tin điện tử, điện thoại... nhằm hạn chế tiếp xúc, đồng thời chuyển tải đầy đủ, kịp thời những văn bản quy phạm pháp luật, thông tin TTHC về hải quan, nhất là những quy định mới, những quy định DN dễ xảy ra sai sót để tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác.

Thứ hai, thường xuyên rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, TTHC thuộc lĩnh vực hải quan để đề nghị sửa đổi, bổ sung, loại bỏ những văn bản không còn hiệu lực, chồng chéo hoặc không phù hợp nhằm tạo thuận lợi trong thương mại và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cuối cùng là chú trọng, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bố trí công chức hải quan thành thạo nghiệp vụ, có kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn để tư vấn giải quyết TTHC cho người dân, DN.

 Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.