Đồi 722 - Đắk Sắk: Những trận đánh không thể nào quên
Trong kháng chiến chống Mỹ, xác định Tây Nguyên là chiến trường trọng điểm nên Mỹ - ngụy đã tăng cường tiềm lực về quân sự, căn cứ, đồn bốt, xây dựng và mở rộng các sân bay, căn cứ hậu cần ở Buôn Ma Thuột, Đức Lập, Nhân Cơ…
Trong đó, địa bàn Đức Lập - Đắk Sắk có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự, kinh tế, chính trị, được xem như “cánh cửa thép” khống chế Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vùng biên giới Campuchia, đồng thời ngăn chặn tuyến chi viện Trường Sơn cho chiến trường miền Nam và làm căn cứ xuất kích đánh phá cách mạng của ta. Do đó, Mỹ - ngụy đã xây dựng các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện, thiết lập một sân bay dã chiến tại Đắk Sắk; thường xuyên cho máy bay thị sát, thăm dò, theo dõi mọi hoạt động của ta, tăng cường mạng lưới an ninh, cảnh sát, gián điệp ngầm nhằm đánh phá, đánh sâu vào vùng giải phóng, cô lập lực lượng ta ở vùng căn cứ Nâm Nung.
Tháng 5-1965, Mỹ - ngụy và chính quyền Sài Gòn cho xây dựng căn cứ quân sự Đồi 722 (còn gọi là trại lực lượng đặc biệt Đức Lập), cách trung tâm quận Đức Lập khoảng 10 km về hướng đông nhằm tăng cường lực lượng và gia tăng các hoạt động quân sự. Đồi 722 ở độ cao 722 m so với mặt biển, diện tích khoảng 1 km², nay thuộc địa bàn thôn Thổ Hoàng 4, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Ở đây, địch xây dựng các công sự kiên cố, vững chắc, chướng ngại vật dày đặc với 12 lớp hàng rào. Các công sự, nhà ở bố trí khoa học, xây dựng kiên cố, đều có hàng rào phân khu để ngăn cản sự tấn công của bộ đội ta. Lực lượng địch tại đây gồm 1 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 23 của ngụy, được trang bị quân trang, vũ khí hiện đại. Ngoài ra, còn có mạng lưới tình báo bám trụ trong dân với nhiệm vụ nắm bắt tin tức.
Hằng năm Khu di tích lịch sử Đồi 722 – Đắk Sắk đón nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu truyền thống lịch sử. |
Để đối phó với âm mưu, thủ đoạn của địch, năm 1968 Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên xác định cần phải tiêu diệt địch tại chi khu quận lỵ Đức Lập mà nòng cốt là cứ điểm quân sự Đồi 722 - Đắk Sắk, một trong số sào huyệt trọng yếu của địch trên mặt trận Tây Nguyên.
Thực hiện chủ trương đó, trong suốt những năm 1968 đến 1975, bộ đội chủ lực ta phối hợp với quân đân địa phương tổ chức nhiều trận đánh vào cứ điểm này, một mặt làm tiêu hao lực lượng sinh lực địch, mặt khác nhằm đánh phá hệ thống đồn bốt đang án ngự phá hoại đường Hồ Chí Minh trên chiến trường Nam Tây Nguyên.
Trong đó, tiêu biểu là trận đánh ngày 22-8-1968 của Tiểu đoàn 20 Đặc công Tây Nguyên phối hợp với bộ đội chủ lực của tỉnh Quảng Đức và lực lượng vũ trang địa phương nổ súng tấn công vào quận lỵ Đức Lập và một loạt vị trí đóng quân của địch trên toàn tuyến Đắk Sắk, Sa Pa, Đắk Lao, Đắk Pét, đồng thời chặn đánh các cánh quân của địch. Sau gần 10 ngày đêm chiến đấu, chỉ tính riêng trên chiến trường Đức Lập, ta diệt hơn 300 tên, trong đó có 60 tên Mỹ, tiêu diệt và đánh thiệt hại 16 đại đội. Đại bộ phận quân chiếm đóng và hệ thống ngụy quyền cấp quận, xã bị tan rã. Trong chiến dịch, nhân dân 15 buôn xung quanh Đức Lập nổi dậy, trở về làng cũ. Các đội vũ trang bắt giáo dục hơn 100 nhân viên tề ngụy, xử 2 tên tay sai khét tiếng gian ác.
Đến 24-8-1968, căn cứ trại lực lượng đặc biệt Đức Lập – nơi cố thủ cuối cùng của địch đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, khi phản công, địch đã bao vây Đồi 722 và gài mìn dày đặc xung quanh, dùng hỏa lực mạnh và ném bom rải thảm nên lực lượng địa phương không thể tiếp cận được với quân chủ lực. Trong tình thế bị địch bao vây chặt, không được tiếp tế vũ khí, đạn dược cũng như lương thực, bộ đội ta đã anh dũng chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Trong trận này, 153 cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh tại Đồi 722.
Khu di tích lịch sử Đồi 722 - Đắk Sắk nay thuộc địa bàn thôn Thổ Hoàng 4, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. |
Sau năm 1968, qua nhiều thất bại nặng nề ở chiến trường Nam Tây Nguyên, địch lui về cố thủ trong các cứ điểm quân sự, trong đó địa bàn Đồi 722 - Đắk Sắk là cứ điểm quân sự trọng yếu. Từ đây, chúng tiếp tục thực hiện chính sách dồn dân lập ấp. Trước tình hình đó, để giữ vững thế trận, Tỉnh ủy Quảng Đức chỉ đạo Huyện ủy Đắk Mil thực hiện “ba bám” – cán bộ bám dân, dân bám đất và du kích bám địch; tiếp tục đấu tranh với địch, đẩy mạnh xây dựng hậu cứ, tăng gia sản suất, đảm bảo cung cấp lương thực cho mặt trận; mở rộng vùng giải phóng, đẩy địch vào thế co cụm, cùng với nhân dân cả nước sẵn sàng chiến đấu. Để rồi, ngày 9-3-1975, bộ đội nổ súng tấn công tuyến phòng thủ Đức Lập, sau hơn 3 giờ tấn công, quân ta chiếm căn cứ Sư đoàn 23 của địch, Trung đoàn 28 chiếm núi lửa. Ngày 10-3-1975, cứ điểm Đắk Sắk, Đức Lập bị quân ta xóa sổ hoàn toàn.
Di tích Đồi 722 - Đắk Sắk ghi dấu nhiều trận đánh ác liệt của lực lượng bộ đội chủ lực, quân và dân địa phương từ giai đoạn 1965 - 1975. Sau ngày giải phóng, để tưởng nhớ sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ ta tại Đồi 722 - Đắk Sắk nói riêng, trong chiến dịch Đức Lập mùa thu 1968 nói chung, tỉnh Đắk Nông đã lập Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ngày 24-10-2012, di tích Đồi 722 - Đắk Sắk được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc