Multimedia Đọc Báo in

Lời thề độc lập từ mùa thu lịch sử

08:18, 02/09/2021

Cách đây 76 năm, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2-9-1945 thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thể quốc dân đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Tuyên ngôn Độc lập không chỉ khẳng định quyền con người, quyền độc lập dân tộc, mà còn chứa đựng những giá trị thời đại to lớn, được coi là bản Tuyên ngôn nhân quyền của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Đó là tư tưởng về quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân, gắn với quyền bình đẳng thiêng liêng của dân tộc; là tinh thần và ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam trong suốt chặng đường dựng nước và giữ nước.

Nhiều tài liệu đã ghi lại không khí tại Quảng trường Ba Đình trong ngày hội lịch sử đó. Biển người sôi nổi hưởng ứng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập gợi liên tưởng về các hội thề truyền thống thời Lê, thời Quang Trung Nguyễn Huệ. Song điểm khác biệt trong thời kỳ lịch sử này là không khí cộng hưởng lời thề không chỉ diễn ra trực tiếp ở một nơi, mà tiếng hô đáp lại lời thề độc lập vang lên cùng lúc hầu hết trên mọi miền đất nước.

Quang cảnh ngày Lễ độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu

Trong ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, sau Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc là bài diễn văn của Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ trình bày đường lối đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam độc lập. Bài diễn văn kết thúc bằng những lời lẽ hào hùng, nguyện giữ vững lời thề độc lập: “Dân ta sẽ đem hết của cải, xương máu… xây đắp, tô điểm non sông Việt Nam, làm cho nước Việt Nam yêu quý của chúng ta lại được tươi sáng, phú cường sau bao năm lầm than, kiệt quệ. Noi theo truyền thống của các thế hệ trước, thế hệ chúng ta sẽ đánh một trận cuối cùng để cho những thế hệ sau này mãi mãi được sống với độc lập, tự do, hạnh phúc”.

Chính lời thề độc lập mùa thu lịch sử năm 1945 đã hiệu triệu ý chí của tất cả con dân nước Việt, nâng sức mạnh truyền thống dân tộc lên một tầm cao mới, tạo động lực cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ; tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp đó là các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, tinh thần của Ngày Quốc khánh 2-9 sẽ đời đời bất diệt. Lời thề độc lập trong cái nắng Ba Đình mùa thu năm 1945 sẽ sống mãi trong mỗi người dân đất Việt như một bản anh hùng ca bất diệt, là nguồn động viên to lớn khơi dậy nhiệt huyết của thế hệ hôm nay quyết giữ vững nền độc lập, tự do, xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Bác Hồ và cũng là ước mơ của cả dân tộc Việt Nam.

Duy Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.