Nội hàm vấn đề an ninh con người trong Văn kiện Đại hội XIII
Tại Đại hội XIII vừa qua, an ninh con người là vấn đề lần đầu tiên được Đảng ta đề cập trong Văn kiện Đại hội và diễn giải một cách hợp lý trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tác động đến toàn cầu nói chung và nước ta nói riêng, cùng với những thách thức cả trong và ngoài nước ảnh hưởng đến việc đảm bảo sự an toàn của người dân.
An ninh con người theo tinh thần Đại hội XIII được hiểu thế nào? Nó bao hàm những vấn đề gì? Chúng ta phải làm gì để đảm bảo an ninh cho người dân trước những biến động lớn cả trong và ngoài nước?
Vấn đề an ninh con người được Đảng ta đề cập đậm nét nhất trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII với cách hiểu: là một phạm trù thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống; con người là nguồn lực quan trọng nhất nên an toàn cho người dân là mục tiêu tối thượng trong các chính sách phát triển, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến địa phương...
Với tiếp cận như vậy, trước hết vấn đề an ninh con người được đặt trong tổng thể vấn đề an ninh quốc gia; nhưng vì là vấn đề an ninh phi truyền thống nên nó mang tính đa chiều và có mối quan hệ biện chứng với vấn đề an ninh truyền thống, trong đó việc đảm bảo an ninh truyền thống là cơ sở, là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an ninh con người. Do đó, để đảm bảo an ninh con người, Đại hội XIII khẳng định cần “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia”: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch. Phải coi an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”.
Đại diện Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn Buôn Ma Thuột tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột (ảnh minh họa). Ảnh: Vân Anh |
Việc đảm bảo quốc phòng, an ninh, đến lượt nó sẽ giúp thúc đẩy kinh tế phát triển, xã hội ổn định thông qua việc tạo môi trường hòa bình và ổn định để nhân dân yên tâm lao động, sản xuất tạo ra của cải vật chất, tạo nguồn nội lực vững chắc để phát triển đất nước và góp phần tăng cường tính tự chủ trong hội nhập quốc tế. Ở phương diện này, an ninh con người được Đảng ta nhìn nhận trên hết và trước hết là an ninh kinh tế, sự tự chủ về kinh tế. Tất cả những vấn đề về phát triển xã hội, văn hóa, môi trường, thậm chí là vấn đề đảm bảo quốc phòng – an ninh cũng dựa trên nền tảng kinh tế, dựa trên sức mạnh của nền kinh tế đất nước. Nếu nền kinh tế chậm phát triển, tăng trưởng thấp hoặc phát triển què quặt, không ổn định thì sẽ tác động tiêu cực đến tất cả các mặt khác của xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến việc đảm bảo an ninh con người.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đặc biệt là qua 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền kinh tế nước ta đã có sự phát triển vượt bậc, tạo tiền đề vững chắc cho phát triển mọi mặt đất nước. Mặc dù vậy, Đại hội XIII cũng nhận định: Thời gian qua, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường... tiếp tục diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp sự an toàn của nhân dân. Đây là những vấn đề thời sự nóng hổi liên quan trực tiếp, thường xuyên, liên tục đến đời sống của đại bộ phận người dân Việt Nam. Đặc biệt, tình trạng bất thường của thời tiết vài năm trở lại đây, đại dịch COVID-19 hoành hành đã tác động rất lớn đến sự an toàn của người dân. Vấn đề đảm bảo an ninh con người ở phương diện này đặt ra cho Đảng, Nhà nước ta những thách thức rất lớn về hành động ứng phó; trước mắt là làm sao phòng, chống đại dịch COVID-19 thành công để đưa đất nước về trạng thái bình thường mới; về lâu dài là phải có biện pháp để giảm nhẹ tác hại của thiên tai, biến đổi khí hậu, khắc phục cho được vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều địa phương trên cả nước.
Một khía cạnh nữa của vấn đề an ninh con người được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII là an ninh mạng. Đây là vấn đề không mới nhưng nó được tiếp cận từ thực tiễn mới, đó là tác động “thực” đến hoạt động sống của người dân từ tính chất “ảo” của mạng xã hội. Bởi nhờ sự phát triển vượt bậc của mạng lưới thông tin – truyền thông nước ta thời gian qua mà đến nay người dân Việt Nam đã tiếp cận, tương tác với nhau rất hiệu quả thông qua mạng xã hội, nhưng mặt trái của mạng xã hội cũng ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ, hành động của nhân dân và trong nhiều trường hợp đã gây ra những hậu quả nặng nề không chỉ cho người dân mà còn cho xã hội. Thực tế là trước khi có Luật An ninh mạng năm 2018 thì việc xử lý những vấn đề gây mất an ninh mạng rất khó khăn, thậm chí là có nhiều vấn đề không xử lý được. Nhưng từ năm 2018 đến nay, nhờ cơ sở pháp lý của Luật An ninh mạng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nên những vấn đề các tổ chức, cá nhân đưa lên mạng xã hội mà gây phương hại đến người dân, đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thì đều bị xử lý một cách đích đáng.
Từ những góc độ tiếp cận như trên, nội hàm của vấn đề an ninh con người được nhận diện một cách đầy đủ sẽ góp phần triển khai, tổ chức thực hiện Đại hội XIII của Đảng nói chung và vấn đề an ninh con người nói riêng một cách có hiệu quả trong những nhiệm kỳ tiếp theo.
TS. Ngô Khắc Sơn
Học viện Chính trị khu vực III
Ý kiến bạn đọc