Multimedia Đọc Báo in

Trường học giữa chốn lao tù

18:44, 23/09/2021

"Bất cứ ở đâu và trong hoàn cảnh nào người cộng sản cũng phải hoạt động cách mạng, nơi nào có người cộng sản là ở đó cần có tổ chức Đảng để giáo dục đảng viên, giác ngộ quần chúng và lãnh đạo đấu tranh, vào tù không phải là nằm im chờ đợi hay bó tay chịu chết”.

Đó là quan điểm của những người cộng sản tiên phong bị đày ra Côn Đảo. Đầu năm 1932, Chi bộ đặc biệt ở nhà tù Côn Đảo (sau phát triển thành Đảng ủy nhà tù Côn Đảo) tại Banh I do đồng chí Nguyễn Hới làm Bí thư đã huấn luyện cho anh em những vấn đề về tổ chức Đảng, về Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Đoàn thanh niên phản đế, về cách tổ chức quần chúng, tổ chức biểu tình...

Cuối năm 1933, đồng chí Ngô Gia Tự ra làm khổ sai đã tổ chức cho anh em học tập thấu đáo các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa cộng sản, về những đặc điểm giai cấp trong xã hội Việt Nam và đường lối, phương pháp lãnh đạo của Đảng ta. Từ giữa năm 1935, Chi bộ đặc biệt quyết định tổ chức học tập lý luận một cách có hệ thống cho cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Tôn Đức Thắng là Bí thư Chi ủy cũ ở khám 6-7 trở thành tổ cố vấn; đồng chí Trần Văn Giàu được chỉ định làm giảng viên. Giáo trình là những bài giảng của các giáo sư “đỏ” của Liên Xô và Quốc tế cộng sản, gồm các nội dung như: Tầm quan trọng của lý luận và mối quan hệ hữu cơ giữa chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin; Lý luận Mác - Lênin về cách mạng vô sản; Chuyên chính vô sản; Đảng Lêninnít của giai cấp vô sản; Chiến lược và chiến thuật; Vấn đề nông dân; Vấn đề dân tộc và thuộc địa; Vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô; Chiến tranh và cách mạng…

Chi bộ đặc biệt còn thảo luận nhiều lần với đại diện Quốc dân đảng về việc liên hiệp đấu tranh trong tù. Nội dung cơ bản của các bài học được biên soạn, đăng trên tạp chí Ý kiến chung, phục vụ có hiệu quả cho việc học tập lý luận.

Tù nhân Côn Đảo đều mơ ước một lần được gặp Bác Hồ (Ảnh được trưng bày tại Nhà tù Côn Đảo).

Đảng ủy Côn Đảo ra đời vào năm 1950, do đồng chí Lê Trọng Bộ làm Bí thư, đã xác định: Nhà tù là một mặt trận, tù nhân là những chiến sĩ hoạt động ngay trong lòng địch. Các lớp học lý luận trong tù vẫn được duy trì thường xuyên, kể cả ở các khám tù cấm cố cũng như các kíp tù lao động khổ sai. Nhiều quan điểm lý luận trong đấu tranh cách mạng đã được lớp tù chính trị kháng chiến nâng lên một trình độ mới như quan niệm về tù kháng chiến, về sự lãnh đạo của Đảng trong tù, về các hình thức đấu tranh trong tù mà lớp tù chính trị trước đây chưa có điều kiện giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, phong trào bình dân học vụ, xóa mù chữ và phổ cập bậc tiểu học được thực hiện như một nhiệm vụ chính trị lớn. Hàng loạt lớp bình dân học vụ đã được tổ chức ở tất cả các khám. Theo mô hình tổ chức ở Khám Lớn - Chí Hòa, một số đảng viên ra Côn Đảo đã liên hệ nhau, hình thành nhóm nghiên cứu mácxít để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và lãnh đạo tù nhân ở các cơ sở.

Sau nhiều năm đấu tranh bảo vệ khí tiết, chịu nhiều tổn thất, ngày 1-5-1963, Chi bộ Lê Hồng Phong được thành lập do đồng chí Lương Chi làm Bí thư. Chi bộ đề ra 3 nhiệm vụ trước mắt: Củng cố nòng cốt ở các phòng giam, các kíp tù; tiếp tục đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ; chuẩn bị thực lực khi có điều kiện sẽ chống chào cờ. Sự ra đời của Chi bộ đánh dấu bước phát triển mới, tổ chức chặt chẽ của phong trào đấu tranh trong ngục tù, củng cố tinh thần, tư tưởng kiên trung của mỗi chiến sĩ trong mặt trận đấu tranh khốc liệt. Trong những năm tiếp theo, Chi bộ Lê Hồng Phong cùng những cốt cán lãnh đạo của đoàn tù chính trị câu lưu khác đã lãnh đạo và rèn luyện lực lượng đấu tranh của tù chính trị câu lưu.

Các đồng chí trong Chi bộ Lê Hồng Phong, Lao I, Nhà tù Côn Đảo (Ảnh được trưng bày tại Nhà tù Côn Đảo).

Kế thừa truyền thống đấu tranh tại Trại I và sự tiếp nối, phát huy của Chi bộ Lê Hồng Phong, Đảng bộ Lưu Chí Hiếu được thành lập ngày 3-2-1972 tại Trại VI, Khu B do đồng chí Trần Văn Cao là Bí thư, lãnh đạo xây dựng lực lượng và tranh đấu tại Trại VI, Khu B. Đảng bộ Lưu Chí Hiếu trở thành bộ tham mưu chiến đấu lãnh đạo toàn bộ các hoạt động và tranh đấu tại Trại VI, Khu B. Nhiều đảng viên của Đảng bộ sau này đã được cử vào Đảng ủy lâm thời, góp phần quan trọng trong thời điểm nổi dậy giải phóng hoàn toàn Côn Đảo.

Nguyễn Cẩm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.