Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Nhiều cách làm hay trong phát triển đảng viên vùng di cư ngoài kế hoạch

08:07, 17/11/2021

Huyện Krông Bông có trên 95.000 người; trong đó đồng bào từ các tỉnh phía Bắc di cư ngoài kế hoạch tập trung ở 3 xã: Hòa Phong, Cư Pui và Cư Drăm với 2.738 hộ, 15.603 khẩu, chiếm tỷ lệ 16% so với dân số toàn huyện.

Thực hiện phương châm “ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”, trong những năm qua đảng bộ các xã luôn quan tâm, chú trọng phát triển đảng viên vùng đồng bào di cư ngoài kế hoạch về số lượng và chất lượng.

Xã Cư Drăm có 805 hộ, 4.817 khẩu là đồng bào Mông di cư ngoài kế hoạch, sinh sống ở 5 thôn, thôn xa nhất cách trung tâm xã trên 20 km. Do ảnh hưởng tập quán du canh, dân số luôn biến động, suốt nhiều năm liền cả 5 thôn này đều “trắng” đảng viên, đến năm 2010 mới bồi dưỡng kết nạp được 3 đảng viên. Đảng ủy xã đã phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành về sinh hoạt tại các thôn đồng bào Mông, dựa vào các đoàn thể quần chúng phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua cụ thể, qua đó phát hiện những nhân tố tích cực bồi dưỡng để kết nạp vào Đảng…

Nhờ vậy, đến nay Đảng bộ xã đã kết nạp được 20 đảng viên người Mông, riêng năm 2021 kết nạp được 3 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ xã lên 229 người. Cả 5 thôn di cư ngoài kế hoạch đều có đảng viên tại chỗ, trong đó thôn Ea Hăn có 9 người.

Đồng chí Võ Chương, Bí thư Đảng ủy xã Cư Drăm cho biết: Nhiều đồng chí sau khi đứng vào hàng ngũ của Đảng đều phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, đưa chủ trương của Đảng đến với bà con, được tín nhiệm bầu vào các chức danh lãnh đạo ở thôn, xã. Cư Pui là xã đông nhất với 6 thôn đồng bào di cư ngoài kế hoạch gồm 1.347 hộ, 7.652 khẩu thuộc các dân Mông, Tày, Thái, Nùng…; trong đó thôn xa nhất Ea Rớt được ví như “cổng trời” cách trung tâm xã trên 20 km, giao thông đi lại hết sức khó khăn, phần lớn đồng bào Mông chưa thông thạo tiếng phổ thông...

Kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ thôn Noh Prông, xã Hoà Phong.

Theo đồng chí Y Tuốt Niê, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui, phần lớn đồng bào Mông không có nơi ở ổn định lâu dài, việc chia tách, sáp nhập giữa các địa phương nơi ở cũ (miền Bắc) khiến việc thẩm tra xác minh lý lịch người xin vào Đảng mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, rất nhiều quần chúng ưu tú “vướng” quy định về học vấn tối thiểu đối với đồng bào dân tộc thiểu số là lớp 9 theo Quy định số 24 –QĐ/TW, ngày 30-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương. Để tháo gỡ những khó khăn đó, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên, bên cạnh việc đổi mới sinh hoạt ở các chi bộ, Đảng ủy xã phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành phụ trách 6 chi bộ thôn dân di cư ngoài kế hoạch rà soát, phân tích đánh giá nguồn phát triển đảng viên ở từng chi bộ để giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên từng năm. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, qua đó phát hiện nhân tố điển hình để bồi dưỡng, giúp đỡ kết nạp Đảng.

Với cách làm này, đến nay Đảng bộ xã Cư Pui đã kết nạp được 21 đảng viên (trong đó: có 15 đảng viên người Mông; 5 đảng viên người Tày; 1 đảng viên người Thái). Cả 6 chi bộ thôn dân di cư ngoài kế hoạch đều có đảng viên là người tại chỗ.  

Trao Quyết định cho đảng viên mới kết nạp.

Xã Hòa Phong có 2 thôn là đồng bào Mông di cư ngoài kế hoạch với 483 hộ, 2.588 khẩu. Việc phát triển đảng viên ở 2 thôn đồng bào Mông trên địa bàn xã không tránh khỏi những khó khăn, nhiều thanh niên rất năng động, phát triển kinh tế tốt, có ý chí phấn đấu nhưng khi rà soát để bồi dưỡng kết nạp Đảng thì vi phạm chính sách dân số; hoặc do gia đình di chuyển đến sinh sống ở nhiều nơi nên khó khăn việc thẩm tra, xác minh lý lịch…

Hằng năm, Đảng ủy xã xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu cho các thôn, buôn, phân công các đảng viên giữ chức vụ của xã trực tiếp phụ trách các chi bộ thôn, quan tâm tạo nguồn, động viên, giúp đỡ quần chúng ưu tú để họ có nhận thức đúng và tạo điều kiện bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Với nỗ lực đó, đến nay Đảng bộ xã Hoà Phong đã kết nạp được 10 đảng viên, hầu hết đảng viên tại chỗ là những người trưởng thành từ phong trào thi đua có năng lực thực tiễn, được quần chúng tin tưởng, tín nhiệm.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.