Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV:

Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn thực sự là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả

18:45, 12/11/2021

Sáng 12-11, phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và đã thành công tốt đẹp, cho thấy đây là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội; đồng thời đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề vừa được chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Cùng với các 4 Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính (Bô Y tế; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các thành viên Chính phủ có liên quan đã tham gia trả lời, giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH.

Toàn cảnh phiên chất vấn tại hội trường Diên Hồng.
Toàn cảnh phiên chất vấn tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: quochoi.vn

Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã có 134 lượt đại biểu tham gia chất vấn, 12 đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, có 24 lượt ĐBQH đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn vấn đề đại biểu quan tâm. Đối với các ĐBQH hỏi nhưng chưa được trả lời hoặc nhiều đại biểu đăng ký nhưng do hết thời gian nên chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên chính phủ để được trả lời bằng văn bản.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn. Ảnh:quochoi.vn

Quốc hội ghi nhận việc tổ chức chất vấn có những đổi mới so với trước nhưng các vị ĐBQH đã thể hiện nắm chắc thực tiễn với tinh thần xây dựng cao, tiến hành chất vấn bằng các câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề; đặc biệt là tăng cường tranh luận để làm rõ thêm vấn đề; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm, cũng như đề xuất giải pháp khắc phục. Qua đó cũng là những gợi ý, bổ sung giải pháp để Chính phủ, các Bộ, ngành có các quyết sách phù hợp trong quản lý, điều hành, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành với ý thức, trách nhiệm cao đã trả lời nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực; đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh:quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, qua hoạt động chất vấn cho thấy những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là “đúng và trúng”, phù hợp với thực tế, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao, trong đó bao trùm 2 vấn đề lớn, gồm: thực trạng và kết quả, bài học kinh nghiệm của công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới để đảm bảo yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và không để dịch bệnh bùng phát trở lại; việc ban hành và tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ người dân và cho doanh nghiệp, chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới và thời kỳ hậu đại dịch, gói kích thích kinh tế, tài khóa và tiền tệ và những giải pháp tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trên cơ sở chất vấn của các ĐBQH và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, chuẩn bị nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định.

Căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục tổ chức chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở Nghị quyết về chất vấn, tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn, chủ động tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề bức xúc nổi lên thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm đáp ứng yêu cầu của đồng bào, cử tri và Nhân dân cả nước cũng như yêu cầu phát triển bền vững của đất nước…

Các đại biểu nhấn nút biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng.
Các đại biểu nhấn nút biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng. Ảnh:quochoi.vn

Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội họp riêng và biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng. Cụ thể: Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có 460/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 có 472/472 đại biểu đã biểu quyết thông qua nội dung này (đạt tỷ lệ 100%); Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến có 468/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê có 462/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự có 466/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Vào ngày mai (13-11), Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết một số nội dung quan trọng. Vào lúc 10 giờ, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc; phiên họp này cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm theo dõi.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.