Multimedia Đọc Báo in

Giai đoạn 2021 – 2025: phấn đấu mỗi năm tìm kiếm, quy tập khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ

15:15, 11/01/2022

Sáng 11/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo Quốc gia 515) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Đề án 1237) và Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) giai đoạn 2013 – 2020; triển khai phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021 – 2025.

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Hội nghị được kết nối đến 76 điểm cầu trên cả nước. Tại Đắk Lắk, tham dự hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê; đại diện các sở, ngành, đơn vị hữu quan.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.

Giai đoạn 2013 – 2020, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị; Quyết định 1237, Quyết định 150 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; triển khai đồng bộ các giải pháp toàn diện, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Đến nay, nhiều đơn vị, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc nhập dữ liệu; phân tách, chuyển giao danh sách liệt sĩ về các địa phương theo quê quán, địa bàn nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu để phục vụ công tác xác minh, kết luận địa bàn, lập bản đồ và tổ chức tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, cung cấp thông tin cho thân nhân, gia đình liệt sĩ.

Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chuyển giao 2.043.000 bản ghi về liệt sĩ, hơn 300.000 bản ghi về mộ liệt sĩ cho Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ. Ban Chỉ đạo Quốc gia 515 đã ban hành hướng dẫn lập bản đồ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ; tổ chức tập huấn, triển khai thực hiện đến cấp xã, phường. Đến nay, các địa phương trên toàn quốc đã lập được bản đồ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ ở 3 cấp xã, huyện, tỉnh.

Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Công tác tìm kiếm quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được triển khai đồng bộ, tích cực. Từ năm 2013 – 2020, trên cả nước đã tìm kiếm quy tập  được 16.960 hài cốt liệt sĩ. Cơ quan chức năng đã tiếp nhận 38.217 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, phân tích ADN được 23.355 mẫu, lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được 4.134 trường hợp...

Giai đoạn 2021 – 2025, Ban Chỉ đạo Quốc gia 515 đề ra mục tiêu: Hoàn thành xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu Quốc gia về liệt sĩ, gắn với cơ sở dữ liệu nền địa lý; cơ bản hoàn thành kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm quy tập  hài cốt liệt sĩ trên phạm vi toàn quốc; phấn đấu mỗi năm tìm kiếm quy tập được khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ. Ban hành, triển khai thực hiện quy trình xsc định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Phấn đấu mỗi năm giám định ADN xác định danh tính khoảng 1.000 hài cốt liệt sĩ. Đến năm 2025, hoàn thành 50% việc xác minh, kết luận thông tin mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị các cấp, ngành với tất cả tình cảm, trách nhiệm cần tạo điều kiện tốt nhất cho công tác tìm kiếm quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện; cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và của cả hệ thống chính trị; mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế; ưu tiên các nguồn lực với cơ chế, chính sách đặc biệt cho công tác tìm kiếm quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.