Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân
Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (gọi tắt là khiếu nại, tố cáo) của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Việc tiếp công dân không chỉ là trách nhiệm của các ngành, các cấp được quy định trong Luật Tiếp công dân năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, mà còn là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy theo Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân.
Việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương (gọi tắt là người đứng đầu) thường xuyên tiếp dân là thể hiện bản chất của chế độ và nền hành chính vì nhân dân phục vụ. Tại buổi tiếp dân, người dân có thể trình bày đầy đủ, hết ý nội dung vụ việc khiếu nại, tố cáo của mình và lắng nghe sự cam kết, giải quyết từ người đứng đầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Khi người đứng đầu đã cam kết thì kết quả giải quyết cơ bản đều đáp ứng với nguyện vọng của người dân. Vì vậy, hiện nay rất nhiều người dân mong muốn được gặp trực tiếp người đứng đầu để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo bởi họ tin tưởng vào uy tín và trách nhiệm của các vị lãnh đạo là người đứng đầu trong việc xem xét thấu đáo vụ việc khiếu nại, tố cáo của mình.
Thực tế, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có thể xem xét, giải quyết thông qua Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, quá trình thụ lý, giải quyết vụ việc, có trường hợp không khách quan, thiếu chính xác do nhiều nguyên nhân khác nhau như nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo không phản ánh đầy đủ bản chất sự việc hoặc người dân diễn đạt sai ý dẫn đến cơ quan, người có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ việc không chính xác.
Mặt khác, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức tham mưu thụ lý, giải quyết có trình độ, năng lực hạn chế, làm việc thiếu trách nhiệm, thiếu công tâm, khách quan dẫn đến kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo không đúng quy định, không thấu tình đạt lý... Đây là nguyên nhân căn bản làm phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, vượt cấp trong thời gian qua.
Người dân xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar) nêu ý kiến tại Hội nghị đối thoại giữa Bí thư, Phó Bí thư Huyện ủy với nhân dân. Ảnh: Lan Anh |
Chính vì kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo không như mong đợi nên người dân không muốn gửi đơn mà muốn gặp trực tiếp người đứng đầu thông qua việc tiếp dân định kỳ hằng tháng theo quy định.
Bởi khi tiếp công dân, người đứng đầu có thể lắng nghe, nắm bắt vụ việc một cách đầy đủ, khách quan từ nhiều phía như ý kiến của cơ quan tham mưu thụ lý, giải quyết vụ việc, ý kiến của người dân; đồng thời, xem xét toàn diện về thái độ, cách ứng xử hoặc kết quả giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền trước đó; trên cơ sở đó, người đứng đầu có thể kết luận ngay về hướng xử lý, giải quyết vụ việc hoặc cam kết giải quyết và trả lời sớm nhất cho người dân mà không phải chờ đợi theo thời hạn luật định.
Và thực tế, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo được người đứng đầu xem xét, giải quyết ngay tại buổi tiếp dân hoặc chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo kết quả để người đứng đầu biết, theo dõi, chỉ đạo.
Vai trò, ý nghĩa của việc tiếp dân là vậy, tuy nhiên thời gian qua, vẫn còn tình trạng cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu chưa phát huy hết tinh thần, trách nhiệm trong việc tiếp dân. Vẫn còn tình trạng né tránh, ủy quyền cho cấp phó hoặc phó thác cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn tiếp dân dẫn đến hiệu quả, ý nghĩa, chất lượng các buổi tiếp dân còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân trong thời gian tới, trước hết phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả của Ban Tiếp công dân và địa điểm tiếp công dân các cấp theo quy định; bố trí cán bộ, công chức có trình độ, năng lực để tham gia tiếp công dân; thường xuyên tạo điều kiện giúp người dân được gặp, tiếp xúc với người đứng đầu để khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Người đứng đầu phải có trách nhiệm lắng nghe, chỉ đạo xử lý vụ việc khách quan, đúng quy định và kiên quyết xử lý nghiêm đối với cơ quan, người có thẩm quyền có vi phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người đứng đầu cần phải tăng cường tiếp dân, không chỉ xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo mà còn xem xét, giải quyết những thiệt hại, khó khăn của người dân do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Có như vậy, mới củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị ở địa phương nói chung và người đứng đầu nói riêng, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp như thời gian qua.
Đỗ Văn Nhân
Ý kiến bạn đọc