“Nỗ lực kép” cho những “mục tiêu kép”
Năm 2021, Đắk Lắk đã vững vàng vượt qua một năm với nhiều thách thức, khó khăn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, làm nền tảng cho năm 2022 và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nhân dịp năm mới, Báo Đắk Lắk đã thực hiện cuộc phỏng vấn đồng chí NGUYỄN ĐÌNH TRUNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy về những quyết tâm mạnh mẽ trong nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” năm vừa qua.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung. Ảnh: Hoàng Gia |
Gian nan thử sức
* Năm 2021 đi qua với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đắk Lắk vẫn đạt được những kết quả phát triển rất quan trọng. Vậy những dấu ấn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua là gì, thưa đồng chí?
Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, năm 2021 cũng là năm cả thế giới, trong nước, trong tỉnh trải qua những khó khăn, thử thách rất lớn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trong bối cảnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bám sát những chủ trương, định hướng của Trung ương và tình hình, điều kiện thực tế của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt những “mục tiêu kép”. Đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đó là: tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,76%; phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả; triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển KT-XH.
Mặc dù còn một số chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch đề ra, nhưng tình hình KT-XH của tỉnh vẫn giữ được sự ổn định và duy trì phát triển khá với tăng trưởng kinh tế đạt 5,1%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã được phục hồi và đi vào ổn định, đời sống người dân được bảo đảm. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá, sản lượng lương thực vượt 25,35% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt kế hoạch đề ra, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Việc cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh được bảo đảm. Năng lượng tái tạo phát triển mạnh, là “điểm sáng” trong sản xuất công nghiệp với nhiều dự án điện gió, điện mặt trời lớn đi vào hoạt động, nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng cao, đạt 23,8%. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 1.136 triệu USD, bằng 174,8% kế hoạch, tăng 0,2% so với cùng kỳ.
Các hoạt động văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân, an sinh xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được quan tâm kịp thời. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được những kết quả quan trọng.
Cũng trong năm 2021, với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, dự án Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Đây chính là dự án động lực nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giao thông hiện đại, an toàn, hiệu quả là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
* Xin đồng chí cho biết sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để Đắk Lắk có những bước đi vững chắc trong năm qua?
Xác định kiểm soát tốt dịch bệnh là điều kiện cơ bản để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị khác, toàn hệ thống chính trị của tỉnh đã dự báo sát, đúng tình hình để linh hoạt, kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh ủy đã thường xuyên, liên tục tổ chức làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh để nắm tình hình; tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra các chốt kiểm soát dịch, khu cách ly tập trung, cơ sở y tế.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tổ chức tiếp đón người dân từ vùng dịch trở về, sàng lọc các trường hợp F0 và theo dõi, quản lý chặt chẽ tại nơi cư trú gắn với tập trung các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn.
Mặt khác, để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác chống dịch của tỉnh trong tình hình mới, đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khôi phục kinh tế theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã định kỳ kiểm tra thực tế tại các huyện, thị xã, thành phố, các dự án lớn; thành lập Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh (Ban Chỉ đạo 321) để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy đã chú trọng công tác kiểm tra, giám sát trên mọi lĩnh vực, nhất là đối với các lĩnh vực được quan tâm như: Công tác cán bộ, đầu tư công... để nắm tình hình, có các biện pháp giải quyết phù hợp, bảo đảm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Qua đó, đã kịp thời hỗ trợ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền các địa phương, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021 đã đề ra.
Lấy người dân làm trung tâm
* Một trong những động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đó là công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, trong đó lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Thưa đồng chí, công tác này được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo như thế nào và đạt được những kết quả ra sao?
Một trong 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh đã đề ra là đẩy mạnh cải cách hành chính. Vì vậy, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số. Trong đó, Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 2/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” là một trong những nghị quyết chuyên đề tạo động lực để Đắk Lắk bước vào nền kinh tế số, xã hội số và xây dựng chính quyền số.
Để lãnh đạo toàn diện công tác cải cách hành chính trong toàn Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị số 17 CT/TU, ngày 24/11/2021 về “Đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, tập trung xây dựng các nền tảng, phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung xây dựng kế hoạch “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025” để cải cách hành chính mạnh mẽ trong Đảng, tiến tới triển khai đồng bộ, hiệu quả với khối chính quyền, nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Năm 2021, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành, các địa phương đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ. Dịch vụ công trực tuyến phát triển, hỗ trợ phục vụ tốt các cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ làm việc qua môi trường mạng. Đặc biệt, Trung tâm quản lý, điều hành đô thị thông minh của tỉnh (IOC) bắt đầu vận hành đã đem lại những kết quả tích cực trong thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh của tỉnh. Trong đó, tập trung vào định hướng quan trọng của xây dựng đô thị thông minh là lấy người dân làm trung tâm, nâng cao chất lượng sống và môi trường làm việc của người dân.
* Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Thưa đồng chí, quan điểm này được tỉnh quán triệt và thực hiện như thế nào, nhất là trong năm vừa qua, nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch COVID-19?
Quán triệt và thực hiện xuyên suốt quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh luôn quan tâm đến công tác bảo đảm an sinh xã hội. Phong trào đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở với sự tham gia tích cực của chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Chế độ, chính sách đối với người có công được bảo đảm và từng bước nâng lên; đối tượng thụ hưởng được mở rộng.
Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung rà soát, triển khai kịp thời các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đã hỗ trợ các đối tượng yếu thế, doanh nghiệp, lao động chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng.
Hoạt động xã hội hóa công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã vận động hơn 35 tỷ đồng kinh phí mua vắc xin, các trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ người dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19.
Thực hiện Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trong năm 2021, Quỹ Vì người nghèo của tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa 43 căn nhà, xây dựng mới 291 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo.
Những nỗ lực chăm lo cho người dân của cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể đã tạo sự lan tỏa sâu rộng, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sản xuất thép tại Khu công nghiệp Hòa Phú. Ảnh: Hoàng Gia |
Những kiến tạo mới
* Năm 2022, KT-XH của đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa đồng chí?
Với dự báo tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục có những biến động khó lường; tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ gây ra nhiều khó khăn cho phát triển KT-XH, tạo nên áp lực lớn trong việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đó, năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục nêu cao quyết tâm và hành động quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Trong đó, tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo điều kiện để khôi phục và phát triển KT-XH nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, an dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân về Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy đã ban hành. Chủ động nghiên cứu, triển khai đầy đủ, đồng bộ, vận dụng hợp lý các nghị quyết, cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương vào thực tiễn để phát huy hiệu quả.
Tập trung thực hiện các đột phá chiến lược; tái cơ cấu nền kinh tế, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới để phát triển bền vững. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải cách tài chính công. Triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 04 NQ/TU của Tỉnh ủy về “Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương có liên quan để triển khai Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ theo các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng cơ chế đặc thù phát triển KT-XH TP. Buôn Ma Thuột (trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, tháng 5/2022).
Tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 đảm bảo đúng định hướng, quy định và tiến độ kế hoạch đề ra.
Gắn kết hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, chú trọng thực hiện chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo toàn diện đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ chủ động chuẩn bị nội dung, đề xuất tổ chức buổi làm việc trực tiếp giữa tỉnh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn trong cơ chế, chính sách, tranh thủ mọi nguồn lực của Trung ương phục vụ cho yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
* Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Lê Hương (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc