Multimedia Đọc Báo in

Khát vọng phát triển Đắk Lắk theo tư tưởng Hồ Chí Minh

07:47, 21/03/2022

Độc lập dân tộc và khát vọng tự do, hạnh phúc cho nhân dân là điểm xuất phát, là nguồn gốc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hiện thân của tinh thần yêu nước cháy bỏng, tự mình đi tìm con đường cứu nước, rồi trở thành người dẫn đường cho cả dân tộc.

Ba mươi năm bôn ba nước ngoài, Người đã tự làm giàu trí tuệ của mình, học trong lý luận, học trong thực tiễn phong trào công nhân, phong trào đấu tranh của nhân dân thuộc địa; tự học ngoại ngữ, tự kiếm sống, tự lực, tự cường để rồi đi đến một chân lý cứu nước đúng đắn nhất.

Nhìn lại lịch sử cách mạng nước ta, từ khi Đảng ra đời cho đến khi chúng ta giành được chính quyền năm 1945, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1946 - 1954, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam thì khát vọng phát triển đất nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh có một sức sống mãnh liệt, dẫn dắt và truyền cảm hứng, quyết tâm cho cả dân tộc.

Hồ Chí Minh ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước đã mang khát vọng lớn lao đó là: độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Người khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Khát vọng ấy đã trở thành lẽ sống của dân tộc Việt Nam và chân lý của thời đại.

Hội LHTN Việt Nam tỉnh trao vốn khởi nghiệp cho thanh niên huyện M'Drắk. Ảnh: V.Anh

Cùng với cả nước, tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua đã không ngừng đổi mới, phát triển, thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Tiếp tục trên đà phát triển đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định những mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2025 Đắk Lắk trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình của cả nước; phấn đấu đến năm 2030 Đắk Lắk cơ bản trở thành trung tâm vùng, là tỉnh phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững khu vực Tây Nguyên, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước. TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; tầm nhìn đến năm 2045 Đắk Lắk là trung tâm của vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực. Đảm bảo đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức khá của cả nước.

Để đạt được những mục tiêu trên – xây dựng quê hương Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể của tỉnh đã, đang và sẽ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, gắn việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với việc học tập quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, để tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu được nội dung, giá trị, ý nghĩa to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, của Đảng ta về khát vọng phát triển đất nước về con đường, mục tiêu chúng ta đang phấn đấu, tin tưởng, khơi dậy quyết tâm tự làm lấy, tự mạnh lên.

Chú trọng phát hiện nhân tố mới, tích cực, có cơ chế khuyến khích khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, có những giải pháp đột phá, sáng tạo để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đồng thời, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong cơ chế quản lý trên các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Đưa nội dung làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình hành động, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp ủy, từng địa phương, từng cơ quan đơn vị. Từng cán bộ, nhất là người đứng đầu phải thực sự là tấm gương của sự khát vọng phát triển.

Cán bộ, đoàn viên thanh niên các đơn vị tham quan mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của đoàn viên thanh niên huyện Cư M'gar. Ảnh: V.Anh

Cùng với đó, chú trọng việc tổ chức các phong trào thi đua, yêu nước, lao động sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Các phong trào thi đua, yêu nước phải thiết thực, tránh hình thức, phải khơi dậy tinh thần cống hiến trong tất cả các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội. Và đặc biệt thực hiện tốt dân chủ - quy chế dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, có như vậy mới phát huy được hết sức mạnh của nhân dân. Sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân là điều kiện để phát huy có hiệu quả ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng quê hương Đắk Lắk vững mạnh, đẹp giàu.

Đỗ An Biên

Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.