Multimedia Đọc Báo in

Đọc “Thư gửi thanh niên”, càng thấm sâu lời Bác dạy

15:13, 15/05/2022

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ đã tuyển chọn các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên thành tập sách mang tựa đề “Thư gửi thanh niên”, xuất bản tháng 3/2021.

Tập sách là tài liệu quý giá, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên, rất cần cho các cấp bộ Đoàn và mỗi cá nhân đoàn viên thanh niên trong việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Người.

Chiếm phần lớn nội dung tập sách là những bài viết của Hồ Chí Minh dưới dạng thư gửi thanh niên. Chọn hình thức thể hiện này, Người muốn tạo sự gần gũi với thế hệ trẻ. Lời khuyên nhủ, dạy bảo của Người vì thế dễ thấm, dễ đi vào lòng giới trẻ bởi sự chân thành, ấm áp và tình yêu thương bao la của một người cha, người ông đối với các thế hệ con cháu.

Có thể khái quát những vấn đề chính mà Người muốn gửi gắm trong tập sách:

Khẳng định tiềm năng, vai trò, vị trí to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, luôn tin tưởng và nhìn nhận thanh niên theo quan điểm phát triển. Ngay từ những năm đầu khi nước nhà mới giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao vai trò của thanh niên: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” (Thư gửi các bạn thanh niên). Khi Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, Người động viên và tin tưởng ở tinh thần “quyết hy sinh kháng chiến để giữ vững nền độc lập của nước nhà” của anh chị em thanh niên Nam Bộ (Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ). Người luôn đặt niềm tin và mong đợi ở thế hệ rường cột của nước nhà. Bác đưa ra dự báo hết sức đúng đắn và chín năm sau đã trở thành hiện thực: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”(Bài nói tại lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đoàn thanh niên lao động Việt Nam).

Bìa cuốn sách Thư gửi thanh niên

Chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng, tinh thần đoàn kết cho thanh niên là điều Bác Hồ hết sức quan tâm, có lẽ xuất phát từ vai trò, vị trí to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Phạm trù giáo dục đạo đức cho thanh niên, theo Người, không ngoài những giá trị đạo đức cơ bản của người cán bộ cách mạng nhưng lại gắn với những yêu cầu cụ thể phù hợp với tuổi trẻ. “Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa” (Thư gửi thanh niên nhân kỷ niệm 20 năm ngày Quốc khánh).

Theo Bác, “Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt trong mấy điểm: Trung thành (Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp); dũng cảm (Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”); khiêm tốn (Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ) (Trích Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc (22/9/1962)).

Xuyên suốt tập sách, có một từ được Bác nhắc đến nhiều lần, đó là “đoàn kết”. Năm 1942, trong bài viết “Nên học sử ta”, Người nhấn mạnh: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do… Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây – Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do". Hai mươi bảy năm sau, trong Di chúc, nói điều mong muốn cuối cùng của mình trước lúc đi xa, Bác vẫn nhấn mạnh “đoàn kết”: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Bác luôn căn dặn thế hệ trẻ phải ra sức học tập, rèn luyện để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, nhân dân. Nói chuyện với nam nữ thanh niên học sinh các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương (Hà Nội), Bác khuyên nhủ: “Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập”. Trong “Thư gửi thanh niên nhân kỷ niệm 20 năm ngày Quốc khánh”, Người căn dặn: “Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”.

Các thế hệ thanh niên, học sinh Việt Nam đã thuộc nằm lòng lời dạy của Bác từ buổi khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Trong tập sách, Bác Hồ đề cập nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến công tác giáo dục thanh niên nói riêng cũng như cuộc sống học tập, lao động, chiến đấu của quân và dân ta nói chung. Những gì Người quan tâm thể hiện rõ tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, đó là sự gần gũi, giản dị, khiêm tốn trong lối sống; là ngắn gọn, hàm súc, chân tình, dễ hiểu trong giao tiếp; là khoa học, sáng tạo trong công việc; là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc và nhân dân.

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.